Điều kiện dự kiến để hộ kinh doanh ở quận 7, TPHCM có thể trở lại hoạt động sau 15/9
Vào ngày 8/9, tại chương trình "Dân hỏi-Thành phố trả lời", Chủ tịch UBND quận 7, ông Hoàng Minh Tuấn Anh đã chia sẻ về các kế hoạch mở cửa kinh doanh cho một số ngành nghề cùng với các đề xuất hỗ trợ cho hộ kinh doanh trên địa bàn trong giai đoạn bình thường mới.
- 08-09-2021Hà Nội: Thu 39 tỷ đồng từ gần 390 cá nhân cung cấp ứng dụng trên Google Play, Apple Store
- 08-09-2021100% người dân trên 18 tuổi của 8 quận huyện TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19
- 08-09-2021Khác biệt lương CFO tại doanh nghiệp Việt Nam ra sao?
Việc mở lại ngành nghề kinh doanh ở quận 7 được thực hiện như thế nào?
Theo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND Quận 7 (TPHCM), sau khi quận 7 báo cáo đã kiểm soát được dịch. Thành phố đã đặt vấn đề để quận 7 và Củ Chi sẽ thí điểm trở lại giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19.
Lãnh đạo quận 7 cho biết, quận đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển kinh tế giai đoạn bình thường mới. Theo đó, trung tâm đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 trên địa bàn quận. Kế hoạch đánh giá lại các mức độ ảnh hưởng của đại dịch đến các đối tượng trên địa bàn quận 7 bao gồm người lao động, các hộ sản xuất-kinh doanh trên địa bàn, các doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, tỷ lệ công nhân phải ngừng việc,...
Từ những yếu tố đánh giá đó, quận 7 đã lên lộ trình dự kiến mở lại hoạt động kinh doanh cho các ngành nghề. Dự kiến, sau 15/9, nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát trên địa bàn quận 7, thì khoảng 20/9-20/10, quận 7 sẽ mở lại một số ngành nghề lương thực thực phẩm thiết yếu, các dịch vụ ăn uống đường phố. Việc mở lại sẽ dưới hình thức bán mang về, không ăn uống tại chỗ, đồng thời sẽ có những điều kiện đi kèm.
Thứ nhất, người dân trong lĩnh vực này phải hoàn tất 2 mũi vaccine.Thứ hai là, môi trường kinh doanh phải đảm bảo theo tiêu chí 5K. Ngoài ra, quận sẽ xem xét lại phương án "3 tại chỗ" hoặc "2 điểm đến, 1 cung đường" đối với các cơ sở kinh doanh. Sau khi thẩm định, nếu các hộ kinh doanh đủ điều kiện sẽ đc gắn thẻ "hộ kinh doanh xanh", "hộ kinh doanh an toàn" và được trở lại kinh doanh bình thường.
Quận 7 sẽ đề xuất thêm các gói hỗ trợ cho các hộ kinh doanh khi mở lại hoạt động
Bên cạnh đó, quận 7 cũng đưa kèm những chính sách hỗ trợ cho các đối tượng kinh doanh trong thời gian này. Cụ thể, quận 7 sẽ vận động chủ cho thuê mặt bằng giảm giá thuê mặt bằng cho các hộ kinh doanh.
Chủ tịch UBND quận 7 cũng chia sẻ thêm, quận 7 cũng sẽ đề xuất lên thành phố miễn giảm thuế cho hộ kinh doanh trong năm 2021 và quý 1/2022. Đồng thời, sẽ kết nối với ngân hàng cho vay vốn ưu đãi khi các hộ kinh doanh hoạt động trở lại.
Ngoài ra, quận 7 cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ test miễn phí 3 ngày/lần trong tháng đầu tiên quay trở lại hoạt động. Ông Tuấn Anh chia sẻ thêm, do tháng đầu tiên mở lại việc kinh doanh, các hộ kinh doanh và người lao động sẽ chưa có thu nhập ngay, nên quận 7 sẽ kiến nghị với thành phố tiếp tục duy trì các gói an sinh xã hội cho người lao động thêm 1 tháng kể từ ngày quay trở lại hoạt động.
Về mức hỗ trợ cụ thể còn phụ thuộc vào tham mưu của các sở ngành và sự chấp thuận của thành phố, quận 7 không thể tự quyết.
Ông Tuấn Anh cho hay, quận 7 sẽ đưa thêm một đề xuất nữa với thành phố. Ông nhấn mạnh, đây là đề xuất hết sức táo bạo của quận. Cụ thể, quận 7 đề xuất thành phố cho phép sử dụng những khu đất trống mà Nhà nước đang quản lý, hoặc của các dự án nhà ở thương mại đang bị ngưng do dịch bệnh, kết hợp với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, hoặc các doanh nghiệp có đông công nhân, để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Và công nhân sẽ được thuê với mức giá rất rẻ.
Lãnh đạo quận 7 cho biết, lý do quận đưa ra đề xuất này là vì thời điểm dịch bắt đầu bùng phát từ khu chế xuất Tân Thuận hồi tháng 4/2021, công nhân ở trong nhà trọ với diện tích chật hẹp khiến cho việc lây nhiễm diễn ra rất nhanh. Cho nên, bây giờ cần phải có nhà trọ cho công nhân với diện tích có thể đảm bảo sinh hoạt đầy đủ để có thể ngăn chặn việc lây nhiễm.