MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều tra chấn động: Amazon chơi xấu, 'giả vờ' đầu tư sau đó lấy cắp toàn bộ dữ liệu để cho ra sản phẩm y hệt khiến hàng loạt startup chết yểu

27-07-2020 - 09:35 AM | Doanh nghiệp

Amazon ngỏ lời đầu tư, nghe giới thiệu chi tiết về sản phẩm sau đó dần cắt đứt liên lạc với startup và âm thầm ra sản phẩm y hệt để cạnh tranh.

Tạp chí kinh doanh hàng đầu nước Mỹ là Wall Street Journal gần đây đã đăng tải một bài viết điều tra với tựa đề: Amazon tìm cách gặp các startup để nói về tiềm năng rót vốn đầu tư, sau đó họ ra sản phẩm cạnh tranh giống hệt. Bài báo tiết lộ nhiều câu chuyện có thật về việc Amazon sử dụng quy mô và sức mạnh khổng lồ của mình để chèn ép, chơi xấu các đối thủ nhỏ hơn. Dưới đây là bản dịch bài báo này.



Khi quỹ đầu tư mạo hiểm của Amazon (Alexa Fund) đầu tư vào DefinedCrowd, họ đã giành được quyền truy cập vào tình hình tài chính của startup công nghệ này và tiếp cận những thông tin bí mật khác. Gần 4 năm sau, vào tháng 4, chi nhánh điện toán đám mây (AWS) của Amazon đã cho ra đời một sản phẩm trí thông minh nhân tạo (AI) giống hệt sản phẩm của DefinedCrowd, theo CEO công ty này là Daniela Braga.

Sản phẩm mới mà AWS cung cấp có tên A2I cạnh tranh trực tiếp với "một trong những sản phẩm nền tảng, cơ bản nhất của chúng tôi" dùng để thu thập và dán nhãn dữ liệu", Braga khẳng định. Sau khi xem thông tin về A2I, Braga đã hạn chế sự truy cập của quỹ Amazon vào kho dữ liệu của công ty cô và tìm cách pha loãng cổ phần bằng cách huy động vốn.

Điều đáng nói trường hợp của Braga không phải duy nhất. Bà cùng khoảng 12 doanh nhân, nhà đầu tư và chuyên gia tư vấn thương vụ khác được phỏng vấn bởi Tờ WSJ đều tố cáo rằng Amazon xuất hiện, vịn cớ vào việc sẽ đầu tư và quy trình đưa ra thỏa thuận để tìm kiếm thông tin, dữ liệu nhằm âm mưu phát triển các sản phẩm cạnh tranh sau đó.

Trong một vài trường hợp, quyết định của Amazon là cho ra đời sản phẩm cạnh tranh nhằm hủy hoại doanh nghiệp mà họ đã đầu tư. Một vài trường hợp khác, họ sẽ gặp gỡ các startup nói về tiềm năng thâu tóm, tìm cách tìm hiểu công nghệ mà họ đang sở hữu sau đó từ chối đầu tư và rồi ra một sản phẩm tương tự mang thương hiệu Amazon.

Người phát ngôn của Amazon thì nói rằng công ty không sử dụng thông tin quan trọng mà các công ty chia sẻ để xây dựng sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, những "nạn nhân" đã rơi vào tình huống này đều cho rằng việc tiến hành thỏa thuận với Amazon giống như một "con dao 2 lưỡi" với các doanh nhân.

"Amazon không phải một con sói đội lốt cừu, họ là sói trong trang phục của một con sói đích thực"

Quy mô và sự hiện diện của Amazon trong nhiều ngành công nghiệp gồm cả điện toán đám mây, thiết bị điện tử và logistic khiến họ có lợi thế hơn hẳn khi làm như vậy. Nhưng việc tiết lộ quá nhiều thông tin có thể đẩy các công ty vào rủi ro cạnh tranh. "Amazon là hiện thân của chủ nghĩ Machiavellian trong đời thực. Chủ nghĩa này cho rằng người cai trị, không bắt buộc phải tuân theo những chuẩn mực về đạo đức, nguyên tắc mà đơn giản chỉ cần sử dụng sức mạnh khi cần thiết. Amazon không phải một con sói đội lốt cừu, họ là sói trong trang phục của một con sói đích thực", Jeremy Levine - đối tác tại một quỹ đầu tư nhận định.

Các cựu nhân viên Amazon liên quan tới một vài thương vụ trước đây đều nói rằng đây là công ty luôn định hướng tăng trưởng, sở hữu năng lực cạnh tranh hùng mạnh và khả năng đổi mới rất lớn đến nỗi họ không thể cưỡng lại việc cố gắng phát triển công nghệ mới ngay cả khi phải cạnh tranh trực tiếp với chính các công ty khởi nghiệp mà họ đầu tư.

Drew Herdener – một người phát ngôn của Amazon nói rằng: "Trong 26 năm, chúng tôi luôn tiên phong trong nhiều chức năng, sản phẩm và thậm chí toàn bộ những lĩnh vực mới. Từ Amazon.com đến Kindle hay Echo và AWS. Rất ít công ty có được kỷ lục về sự đổi mới để cạnh tranh được với Amazon. Thật không may, vẫn có một số công ty luôn thích phàn nàn thay vì xây dựng sản phẩm. Bất kỳ tranh chấp nào về quyền sở hữu trí tuệ đều được giải quyết ở tòa".

Trên thực tế, Amazon có mua cổ phần một vài startup và thâu tóm hoàn toàn một số khác. Nhiều khoản đầu tư được tạo ra thông qua Alexa Fund - một công cụ đầu tư được ra đời năm 2015 sau khi Amazon tiết lộ dòng loa thông minh. Quỹ này nhắm tới hỗ trợ các công ty liên quan tới công nghệ giọng nói.

Một ví dụ có thể kể đến là một khoản đầu tư từ Alexa Fund đã dẫn tới một thương vụ thâu tóm. Quỹ này đã thiết lập một khoản đầu tư vào nhà sản xuất Ring vào năm 2016 sau đó mua công ty này vào năm 2018. "Sự hợp tác của chúng tôi và gia nhập sự đổi mới với Alexa đã cho phép chúng tôi mang lại nhiều giá trị hơn và bảo mật sản phẩm tốt hơn dịch vụ cho khách hàng", theo nhà sáng lập Ring.

Điều tra chấn động: Amazon chơi xấu, giả vờ đầu tư sau đó lấy cắp toàn bộ dữ liệu để cho ra sản phẩm y hệt khiến hàng loạt startup chết yểu - Ảnh 1.

CEO Daniela Braga.


Năm 2016, một nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu là Alexa Fund đã mua cổ phần Nucleus – một công ty nhỏ làm thiết bị giao tiếp video tại nhà. Nhà sáng lập Nucleus và các lãnh đạo Alexa Fund đã họp về tiềm năng hợp tác giữa 2 bên. "Lo ngại lớn nhất của chúng tôi thời điểm đó là chúng tôi đang sở hữu một thứ mà Amazon có thể làm y hệt".

Một vài nhà đầu tư và một người liên quan tới vấn đề nói rằng Amazon đảm bảo với những nhà lãnh đạo Nucleus không đang làm ra sản phẩm cạnh tranh. Sau khi đạt được một thỏa thuận hấp dẫn, Alexa Fund bắt đầu truy cập vào tình hình tài chính của Nucleus, các kế hoạch chiến lược và thông tin quan trọng khác.

8 tháng sau, Amazon ra đời Echo Show – một thiết bị chat video có chức năng tương tự như sản phẩm của Nucleus. Các nhà sáng lập của Nucleus và những nhà đầu tư khác vô cùng tức giận. Một trong những nhà sáng lập đã tổ chức một cuộc họp video call với một vài nhà đầu tư để tìm lời khuyên. Anh nói rằng không có cách nào để một công ty nhỏ như Nucleus cạnh tranh với Amazon trong lĩnh vực tiêu dùng. Kết quả là họ buộc phải cùng nhau ngồi tìm ra cách thức để thay đổi sản phẩm của công ty.

Người phát ngôn của Amazon thì nói rằng Alexa Fund đã nói với Nucleus về kế hoạch của Echo trước khi mua cổ phần công ty. Tuy nhiên, nhiều người ở Nucleus phủ định điều này. Trước khi Amazon giới thiệu sản phẩm, thiết bị của Nucleus đã được bán tại những cửa hàng bán lẻ lớn như Home Depot, Lowe’s và Best Buy nhưng ngay khi Echo bắt đầu được đưa lên kệ hàng, doanh số của Nucleus giảm không phanh và các hãng bán lẻ thậm chí ngừng nhận đơn hàng từ họ.

Nucleus đe dọa sẽ kiện Amazon. Tuy nhiên sau đó, phía Amazon đã giàn xếp mọi chuyện êm đẹp với Nucleus bằng khoản tiền 5 triệu USD và vẫn không thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Cả 2 bên đồng ý chấm dứt vấn đề tại đó. Nucleus quyết định thay đổi định hướng sản phẩm sang thị trường chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên một vài nguồn tin cho biết, đến nay họ vẫn loay hoay gặp khó khăn.

Năm 2010, Amazon đầu tư vào một website voucher giảm giá tương tự Groupon có tên LivingSocial, nắm 30% cổ phần và đưa người vào hội đồng quản trị startup này. Cựu lãnh đạo LivingSocial nói rằng Amazon bắt đầu yêu cầu xem dữ liệu. "Họ hỏi danh sách khách hàng của chúng tôi, cả tên tuổi những đơn vị bán hàng và dữ liệu bán hàng. Họ đang có một sản phẩm cạnh tranh với chúng tôi và giờ họ đòi hỏi tất cả những điều đó". Thấy quá vô lý, LivingSocial từ chối đưa dữ liệu cho Amazon.

Sau đó, LivingSocial bắt đầu nghe thấy thông tin rằng một vài khách hàng của họ đã được Amazon liên lạc trực tiếp và ngỏ ý cung cấp dịch vụ với điều kiện tốt hơn. Amazon cũng bắt đầu câu nhân sự từ LivingSocial. Sau này, Groupon đã mua LivingSocial và cả cổ phần Amazon vào năm 2016.

"Chúng tôi ngây thơ tin rằng họ không cạnh tranh với mình nhưng rồi sau đó, những xung đột về nhân viên, người bán hàng, khách hàng và nhà cung cấp bắt đầu xuất hiện", theo Joh Bax, Giám đốc tài chính của LivingSocial cho tới năm 2014.

Vocalife – một công ty công nghệ âm thanh ở Texas thì kiện Amazon, cáo buộc họ sử dụng công nghệ đã đăng ký bản quyền trái phép. Amazon đã liên lạc với người phát minh ra công nghệ giọng nói Vocalife vào năm 2011 sau khi anh nhận một giả thưởng ở Triển lãm Điện tử tiêu dùng, theo Alfred Fabricant - luật sư đại diện của Vocalife.

Khi ấy, nhà phát minh này đơn giản nghĩ rằng một chuyến thăm của Amazon có thể tạo ra một số thỏa thuận hoặc đề nghị mua lại sau này. Chính vì vậy, người này đã trình bày về 2 bằng sáng chế của mình và gửi các tài liệu liên quan đến phát minh và kỹ thuật của nó cho phía Amazon. Tuy nhiên, không lâu sau cuộc họp, các lãnh đạo Amazon đã không hề phản hồi về loạt các email được gửi từ phía nhà sáng chế đó.

Vocaliffe cáo buộc Amazon sử dụng công nghệ của họ trong thiết bị Echo, ăn cắp bằng sáng chế của họ. "Họ tìm công nghệ mà họ nghĩ là có giá trị và dụ dỗ người làm việc cho họ, cắt đứt liên lạc sau cuộc gặp ban đầu với các nhà sáng chế hay công ty khởi nghiệp. Nhiều năm sau đó, bằng cách nào đó, công nghệ đó xuất hiện trong các thiết bị của Amazon".

Amazon dĩ nhiên phủ định mọi cáo buộc của Vocaliffe và tòa án dự kiến sẽ xét xử vụ kiện giữa 2 công ty vào tháng 9 tới đây.

Điều tra chấn động: Amazon chơi xấu, giả vờ đầu tư sau đó lấy cắp toàn bộ dữ liệu để cho ra sản phẩm y hệt khiến hàng loạt startup chết yểu - Ảnh 2.

Leor Grebler – đơn vị tạo ra một thiết bị kích hoạt giọng nói gọi là Ubi đã có nhiều chức năng của một chiếc Amazon Echo và anh đã đưa sản phẩm của mình ra thi trường trước khi Echo được giới thiệu.

Cuối năm 2012, anh bắt đầu gặp gỡ Amazon đề bàn về công nghệ này. Anh nghĩ Amazon sẽ muốn mua Ubi hay bằng sáng chế công nghệ của họ. Cả hai bên đã ký thỏa thuận không tiết lộ có nghĩa là ngăn chặn sử dụng thông tin không đúng cách trong các cuộc thảo luận. Họ đã tổ chức năm cuộc thảo luận bị ràng buộc bởi thỏa thuận, ông Grebler nói.

Năm 2013, một nhóm lãnh đạo Amazon gồm 2 người liên quan tới việc phát triển tai nghe Echo đã bay tới Toronto để nghe minh họa về công nghệ này. Trước cuộc họp, Amazon gọi và nói rằng có thể họ sẽ ký kết thỏa thuận không tiết lộ - một động thái mà Grebler tin rằng sẽ dẫn đến việc Amazon mua Ubi.

Chính vì vậy, trong buổi trình bày, Grebler đã để thiết bị Ubi nói cho các thành viên về thời tiết trong khu vực sau khi nhận những chỉ dẫn, nó kiểm tra tình trạng các chuyến bay, gửi email... Anh còn yêu cầu Ubi bật và tắt đèn. Grebler nói anh cung cấp cho Amazon rất nhiều thông tin tuyệt mật trong buổi họp. "Họ xem tất cả mọi thứ chúng tôi muốn làm với thiết bị của mình. Đó là bản đồ của sản phẩm".

Thế nhưng, sau cuộc họp, Amazon dần cắt đứt liên lạc với Grebler. Đến ngày 6/11/2014, anh nhận được một email từ người anh trai của mình với tựa đề: "Uh, Oh" kèm một đường dẫn đến bài báo về kế hoạch cho ra mắt Echo của Amazon. Một người phát ngôn của Amazon nói rằng việc tạo ra Echo đã được thực hiện từ năm 2012 khi bắt đầu gặp Grebler và rằng họ cũng đã nói cho Grebler về kế hoạch này.

Trong khi đó, Grebler phủ định mọi thứ mà Amazon nói và cho biết đã gặp luật sư để cân nhắc việc đưa ra pháp luật nhưng cuối cùng anh không kiện Amazon. Và rồi Echo ra đời vào ngày 23/7/2015.

Trong 6 tháng sau, Grebler nói: "Chúng tôi hết sạch tiền đầu tư và phải đóng cửa công ty. Chúng tôi phải chuyển văn phòng".

6 tháng sau đó, Echo bắt đầu bán trên kệ hàng. Ubi không bán sản phẩm đó và cố gắng chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ khác.

Matthew Hammersley – đồng sáng lập ứng dụng kể chuyện bằng giọng nói Novel Effect nói rằng anh đã nhận được một khoản đầu tư từ Alexa Fund vào năm 2017 mặc dù đã nghe nhiều về lùm xùm giữa Nucleus và Alexa Fund. Như một phần quá trình, anh đã gặp với 12 lãnh đạo Amazon gồm cả lãnh đạo Alexa nhưng cuối cùng họ quyết định không để ứng dụng hoạt động trên Alexa.

"Chúng tôi không bao giờ ký thỏa thuận này bởi Alexa không làm được công nghệ giọng nói như chúng tôi và lựa chọn của chúng tôi một là dạy cho Amazon cách để làm được như Novel Effect và bạn sử dụng phần mềm của chúng tôi, hai là khách hàng sẽ trực tiếp dùng sản phẩm của chúng tôi. Dĩ nhiên tôi không thể tiết lộ cho Amazon cách để tạo ra công nghệ này rồi".

Vivint Smart Home – một nhà sản xuất camera là một trong những công ty nhà thông minh đầu tiên hợp nhất với các thiết bị Echo. Năm 2017, khi Amazon đưa ra bản nâng cấp cho Echo, họ nói rằng sẽ chỉ cho phép Vivint tiếp tục duy trì trên Echo nếu Vivint đồng ý tiết lộ cho họ không chỉ dữ liệu từ Vivint trên thiết bị Echo mà còn từ mọi thiết bị trong nhà khách hàng khác.

Những khách hàng Vivint thường có 15 thiết bị của công ty trong nhà và bản thân công ty này cũng nắm hơn 1,5 tỷ dữ liệu từ khách hàng. Họ quyết định từ chối đưa dữ liệu cho Amazon và cuối cùng Vivint vẫn hợp tác với Echo. Một người phát ngôn của Vivint khẳng định rằng Amazon đã yêu cầu tất cả dữ liệu thiết bị nhưng dĩ nhiên, phía Amazon lại phủ nhận điều đó.

Theo Vân Đàm

Tổ quốc/WSJ

Trở lên trên