Định giá ngang ngửa với Vĩnh Hoàn và Minh Phú, Công ty tôm giống của Việt kiều Úc dự định IPO năm 2021
Hoạt động ở khâu tôm giống với biên lợi nhuận "khủng", Việt – Úc vẫn đặt mục tiêu đi đến khâu cuối cùng của ngành như Minh Phú bởi định hướng ban đầu của doanh nghiệp không dừng lại ở cung ứng giống.
Gây chú ý vào tháng 7/2018 sau thương vụ phát hành riêng lẻ cổ phiếu với giá 764.843 đồng cho nhóm quỹ đầu tư STIC Investment của Hàn Quốc, Tập đoàn Việt – Úc thời điểm này được định giá hơn 7.400 tỷ đồng - tức tương đương với "vua tôm" Minh Phú và "vua cá" Vĩnh Hoàn.
Tính đến hiện tại, doanh nghiệp đang từng bước thực hiện tham vọng xây dựng chuỗi khép kín ngành tôm sau gần 20 năm xây dựng nền tảng từ con giống.
Dự kiến IPO vào năm 2021, định hướng thành lập chuỗi khép kín ngành tôm
Trong lần chia sẻ mới đây, Việt – Úc dự kiến IPO sau khoảng 2 năm nữa, tức giai đoạn 2020-2021 khi Công ty chính thức bước chân vào công cuộc cung ứng, xuất khẩu tôm thành phẩm. Công ty đang xây dựng nhà máy chế biến, kết hợp vùng nuôi với diện tích lên đến 315ha (Bạc Liêu) nhằm khép kín quy trình; tiến độ đến nay đã san lấp xong mặt bằng.
Nhắm thấy thị trường tôm Việt còn manh nhún, tình trạng bị trả hàng về ngày càng nhiều nhưng tiềm năng lại rất lớn; trong đó, vấn đề quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng quốc tế là sản phẩm cần truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; ông Lương Thanh Văn (Việt kiều Úc) đã lựa chọn thâm nhập trước tiên vào phân khúc tôm giống.
Kết quả, Tập đoàn Việt – Úc thành lập vào năm 2001 với tiền thân là trại giống đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận, sau gần 20 năm nghiên cứu Công ty đã chủ động nguồn trùn biển - thức ăn cho tôm bố mẹ. "Đây là yếu tố đầu vào hết sức quan trọng giúp Tập đoàn có thể kiểm soát dịch bệnh và chủ động hơn trong việc điều chỉnh nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho tôm bố mẹ", đại diện Việt – Úc nói.
Năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, riêng tôm ước đạt kim ngạch 4,2 tỷ USD. Để làm được việc này, các chuyên gia cho rằng trước mắt lẫn dài hạn cần giải quyết nguồn tôm sạch để đủ cạnh tranh với các thị trường khác như Ấn Độ, Ecuador…
Hiện, Việt – Úc có 9 công ty giống với năng suất 50 tỷ con giống/năm (tổng diện tích khoảng 1.000ha), trải dài từ Bắc chí Nam với tỷ trọng 30% thị phần tôm giống cả nước và 4 khu nuôi thương phẩm với tổng diện tích hơn 1.100ha. Các tỉnh thành trọng điểm của Tập đoàn như Quảng Ninh (miền Bắc); Nghệ An, Bình Thuận, Ninh Thuận… (miền Trung); cuối cùng là miền Tây tập trung tại các địa điểm Cà Mau, Sóc Trăng, Bến Tre, đặc biệt Bạc Liêu theo đại diện Việt – Úc đang được quy hoạch là thủ phủ ngành tôm.
Đồng hành với định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giải quyết bài toán nguồn tôm sạch, truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ đó tạo thế cạnh tranh cho tôm Việt trên trường quốc tế, Việt – Úc đang đầu tư mạnh một khu nuôi trồng kết hợp nhà máy chế biến tại Bạc Liêu, tổng nhu cầu vốn ước tính vào mức 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là khu vực nuôi giống lớn nhất hệ thống Việt – Úc với 4 khu, 160 trại nuôi.
Dự kiến, sau 2 năm nhà máy chế biến chính thức đi vào vận hành, Việt – Úc theo đó sẽ cung ứng tôm nguyên con không chỉ trong nước mà hướng đến xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Website Việt - Úc.
Mở rộng sang nuôi cá tra bố mẹ, năm 2019 dự kiến 500 tỷ đồng
Về kinh doanh, năm 2018, Việt Úc ghi nhận doanh thu 1.424 tỷ đồng, khá nhỏ bé khi so sánh với mức 17.000 tỷ của Minh Phú. Được biết, tôm giống và tôm thương phẩm chiếm tỷ trọng trọng yếu nguồn thu Việt Úc với 1.404 tỷ đồng (tương đương hơn 98,5% doanh thu). Lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 950 tỷ và 475 tỷ đồng.
Năm 2019 mặc dù không tiết lộ chi tiết về con số, đại diện Việt – Úc ghi nhận sau nửa đầu năm Công ty đã thực hiện được 98% kế hoạch. Theo đó, con số lãi dự kiến thu về được điều chỉnh tăng lên hơn 500 tỷ đồng, biên lãi khá tốt.
Mặc dù kém cạnh về quy mô hoạt động cũng như con số tuyệt đối về doanh thu, tuy nhiên Việt Úc tỏ ra "nhỏ mà có võ" khi lợi suất cao hơn nhiều lần. Đơn cử năm 2016, biên lãi ròng Công ty ghi nhận 35%, gấp gần 9 lần mức 4% của Minh Phú. Bước sang năm 2017, biên lãi gộp và lãi ròng Việt Úc lần lượt đạt 67% và 33%, so sánh với con số tại Minh Phú tương ứng là 4% và 13%.
Năm 2017, biên lãi gộp và lãi ròng Việt Úc lần lượt đạt 67% và 33%, so sánh với con số tại Minh Phú tương ứng là 4% và 13%.
Hoạt động ở khâu tôm giống với biên lợi nhuận "khủng", Việt – Úc vẫn đặt mục tiêu đi đến khâu cuối cùng của ngành như Minh Phú bởi định hướng ban đầu của doanh nghiệp không dừng lại ở cung ứng giống. Bởi lẽ biết được vấn đề nan giải nằm tại con giống, Việt – Úc dành hàng chục năm để tạo nền tảng, đến năm 2021 sẽ chính thức đi vào cuộc chơi lớn cùng những "đại gia" hiện hữu.
Tính đến nay, khách hàng Việt – Úc là những doanh nghiệp, nhà hàng, siêu thị và các hộ nuôi, kể tên có Park Hyatt, Co.op Mart… Công ty cũng đang thương lượng với đối tác Minh Phú cùng nhiều tên tuổi lớn khác trong ngành.
Không dừng lại ở tôm, Việt – Úc mới đây còn đầu tư sang mảng cá tra, cũng bắt đầu bằng việc thả nuôi 3.000 con cá bố mẹ, diện tích hiện đâu đó khoảng 100ha.
"Cá tra cũng câu chuyện tương tự tôm, thời gian gần đây liên tục vấp phải nghi vấn về nguồn gốc cũng như biến động giá cả thị trường, do đó Tập đoàn sẽ thử nghiệm ngành từ con giống cá tra", vị này chia sẻ thêm, theo kế hoạch mảng cá tra sẽ được Việt – Úc mở rộng lên 200ha trong tương lai không xa.