MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Định giá thị trường đang ở mức hợp lý, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.000 điểm vào nửa cuối năm”

Với VN-Index, KBSV cho rằng mức P/E 16x là hợp lí và đã phản ánh các rủi ro/tiềm năng của thị trường ở thời điểm hiện tại. Qua đó, kịch bản cơ sở cho mức điểm VN-Index ở trong nửa cuối năm 2019 sẽ dao động quanh 930 – 1.000 điểm.

KS Securities (KBSV) vừa công bố báo cáo đánh giá triển vọng TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm 2019.

Theo KBSV, để có cái nhìn tổng quan về vùng giá hiện tại của TTCK Việt Nam nói chung, CTCK đã đưa ra một vài so sánh tương quan các chỉ số của VN-Index với quá khứ, cũng như các TTCK trong khu vực:

+ So sánh P/E của các thị trường trong khu vực, có thể thấy P/E của VN-Index hiện đang thấp nhất và nằm dưới mức P/E trung bình ở 18x. Trong khi đó, nếu xét trong tương quan về tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế (sử dụng tăng trưởng dự phóng GDP giai đoạn 2019-2023 của tổ chức OECD), Việt Nam có mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất.

“Định giá thị trường đang ở mức hợp lý, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.000 điểm vào nửa cuối năm” - Ảnh 1.

Việc TTCK Việt Nam bị định giá thấp, theo KBSV xuất phát từ 2 nguyên nhân chính là việc TTCK Việt Nam vẫn đang được xếp vào nhóm các thị trường cận biên, cùng với đó là việc tăng trưởng của nền kinh tế không thực sự bền vững với động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực FDI. Mặc dù vậy, mức P/E 16x hiện tại vẫn được đánh giá là khá hấp dẫn và TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới để thu hẹp dần khoảng các với các thị trường trong khu vực, trong bối cảnh tiềm năng được nâng hạng đang dần cải thiện.

+ Dựa trên dữ liệu lịch sử của VN-Index, P/E hiện tại đang cao hơn mức P/E trung bình quanh 14 tính từ đầu năm 2010 đến nay. Điều này cho thấy P/E chỉ số VN-Index đang ở mức tương đối cao, tuy nhiên, đây được đánh giá là mức hợp lý đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế, cũng như hoạt động SXKD các doanh nghiệp đang trải qua giai đoạn thuận lợi nhất kể từ năm 2010.

“Định giá thị trường đang ở mức hợp lý, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.000 điểm vào nửa cuối năm” - Ảnh 2.

+ Dựa trên tương quan ROE – P/B với các nước châu Á (thêm S&P 500), có thể thấy ROE (thể hiện hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp niêm yết) của TTCK Việt Nam đang ở mức cao trong khu vực châu Á, kéo theo chỉ số P/B cao. Dựa trên mô hình định lượng, KBSV đánh giá P/B của VN-Index vẫn đang được chiết khấu xấp xỉ 8%, phản ánh tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong tương lai.

Về tổng thể, thông qua việc so sánh các chỉ số chính của chỉ số VN-Index với dữ liệu lịch sử và các thị trường trong khu vực, KBSV đánh giá vùng giá hiện tại của TTCK Việt Nam ở mức tương đối an toàn, trong bối cảnh tiềm năng tăng trưởng nền kinh tế trong các năm tới có thể chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, cùng với hiệu quả hoạt động tốt của các doanh nghiệp niêm yết (thể hiện qua ROE).

Định giá thị trường đang ở mức hợp lý, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.000 điểm vào nửa cuối năm

Các yếu tố trong nước vẫn được xem là nền tảng hỗ trợ tích cực với TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm nay, bao gồm:

Môi trường vĩ mô thuận lợi và ổn định, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức cao 6,78% trong khi lạm phát và tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát, bất chấp nhiều yết tố bất lợi xuất hiện (giá dầu tăng, giá điện tăng, đồng USD mạnh lên và đồng CNY mất giá...). Dù còn nhiều thách thức nhưng KBSV lạc quan về bức tranh vĩ mô nửa cuối năm nay – dự báo tăng trưởng GDP 6,6 – 6,8%, lạm phát ở 3,5 - 4% và tỷ giá biến động 2,5%.

Xuất hiện sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHNN theo chiều hướng thận trọng hơn (kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% thay vì 17%-20% như các năm trước đó), và định hướng hạn chế tín dụng bất động sản. KBSV đánh giá đây là một bước đi phù hợp để đạt được sự bền vững trong hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng vẫn tích cực. Mặc dù thận trọng hơn, tuy nhiên về tổng thể đây vẫn chưa phải chính sách thắt chặt tiền tệ, và vẫn mang tính hỗ trợ thị trường.

Việc hoàn tất ký kết EVFTA vừa qua tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh 1 số doanh nghiệp niêm yết xuất khẩu sang EU, qua đó tác động tốt đến diễn biến giá cổ phiếu nhóm doanh nghiệp này.

Các yếu tố khác có liên quan như Luật chứng khoán sửa đổi, chứng quyền có đảm bảo cũng sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường trong 6 tháng cuối năm dù mức độ ảnh hưởng là chưa đáng kể.

Xu hướng mua ròng của khối ngoại sẽ có thể tiếp diễn nhờ hiệu ứng từ việc tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam được nâng trong rổ MSCI Frontier Index, và sức hấp dẫn của bản thân TTCK Việt Nam so với các thị trường trong khu vực.

Tuy nhiên, với tính tương quan cao của TTCK Việt Nam với TTCK toàn cầu đã được kiểm chứng trong nhiều quý trở lại đây, các yếu tố ngoại biên tiếp tục có tầm ảnh hưởng quan trọng đến biến động TTCK Việt Nam. Trong đó 2 yếu tố có sự ảnh hưởng mạnh nhất là chính sách tiền tệ của FED và căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi yếu tố đầu được coi là điểm sáng hỗ trợ thị trường trong nửa cuối năm 2019 thì yếu tố thứ 2 vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, các yếu tố ngoại biên tiềm ẩn rủi ro khác tác động đến TTCK Việt Nam trong nửa cuối năm 2019 còn có thể kể đến tình hình sức khỏe các nền kinh tế lớn đi cùng diễn biến chính sách tiền tệ của các NHTW, diễn biến sự kiện Brexit, căng thẳng ở khu vực Trung Đông tác động đến giá dầu... Đây đều là những yếu tố tác động khó dự báo cả về thời điểm, mức độ ảnh hưởng lẫn xu hướng tác động. Nhìn chung, TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng sẽ tiếp tục trải qua giai đoạn biến động mạnh trong nửa cuối năm 2019 do các yếu tố rủi ro xuất hiện nhiều hơn và mang tính chi phối thị trường.

“Định giá thị trường đang ở mức hợp lý, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.000 điểm vào nửa cuối năm” - Ảnh 3.

Với VN-Index, KBSV cho rằng mức P/E 16x là hợp lí và đã phản ánh các rủi ro/tiềm năng của thị trường ở thời điểm hiện tại. Qua đó, kịch bản cơ sở cho mức điểm VN-Index ở trong nửa cuối năm 2019 sẽ dao động quanh 930 – 1.000 điểm.

Ở thời điểm đầu quý 3, KBSV đánh giá có cơ hội mở vị thế ngắn hạn do đây là giai đoạn hội tụ của tâm lý lạc quan về đàm phán Mỹ - Trung được nối lại và tâm lý kì vọng trước việc Fed có thể hạ lãi suất.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên