MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đinh Nhật Nam: Chuỗi cà phê, trà sữa không phải là câu chuyện của doanh nghiệp nhỏ, mà là của người trường vốn

29-05-2017 - 10:26 AM | Doanh nghiệp

Đó là chia sẻ của Đinh Nhật Nam, đồng sáng lập chuỗi cafe Urban Station, về thị trường cà phê, trà sữa.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Đinh Nhật Nam khi thời gian vừa qua khi thị trường trà sữa trở thành tâm điểm chú ý, quá nhiều chuỗi đã phải ngậm ngùi đóng cửa.

- Chào anh, theo anh, gần đây có rất nhiều chuỗi cà phê phải đóng cửa. Nguyên nhân là vì đâu?

- Tất cả các chuỗi cà phê hiện tại như Coffee House, Starbucks, Phúc Long, Urban Station đang bán chung cùng một dòng sản phẩm. Có thể có sự khác nhau nhưng sự khác nhau đó không rõ ràng, không quá khác biệt.

Khách hàng phân biệt sản phẩm bằng thương hiệu. Thương hiệu này tung ra một sản phẩm mới nhưng thương hiệu khác đã bán rồi, chỉ là mới với thương hiệu đó thôi. Còn muốn tạo ra một một cái mới thì bắt buộc phải nghĩ ra một sản phẩm mới. Như vậy, trong năm vừa rồi, tôi chỉ đi cập nhật xu hướng thôi.

- Theo anh, vì sao các chuỗi ngoại vì sao rút?

- Có thể thị trường không còn "thơm" nữa hoặc có thị trường khác tốt hơn.

- Anh nghĩ tại sao trà Phúc Long ít truyền thông sản phẩm nhưng vẫn nhiều người tìm đến như vậy?

- Phúc Long đã sở hữu những mặt bằng rất đẹp, mỗi mặt bằng đó làm điểm làm thương hiệu rất tốt. Mọi thứ họ muốn nói với khách hàng, thì khách hàng đến nhìn nhân viên, nhìn thái độ phục vụ, nhìn văn hóa trong cửa hàng, là thấy được văn hóa của họ.

- Là người làm trong lĩnh vực cà phê, mà lại là cà phê chuỗi nữa, anh nghĩ chuỗi còn phát triển được nữa không, và đâu là yếu tố sống còn?

- Quan trọng là người mở họ muốn gì. Họ muốn mở một cửa hàng hay một chuỗi. Họ muốn chăm chút cửa hàng thật đẹp hay cả một chuỗi. Nếu chỉ có một cửa hàng thôi thì họ chăm chút rất kỹ và bán giá cao. Mỗi khách hàng trả tiền họ nhận được giá trị và xứng đáng với đồng tiền.

Bài toán mở chuỗi giờ không phải là chuyện của doanh nghiệp nhỏ nữa, mà là của người trường vốn. Vì các yếu tố như mặt bằng, nội thất, con người…

Như chuỗi cà phê, nếu người nào đó có một sản phẩm mới đủ mạnh để thay đổi xu thế của thị trường thì có thể làm được, nhưng thực sự khó. Có những sản phẩm mình nghĩ tốt nhưng lại không được thị trường chấp nhận.

- Anh thấy thị trường trà sữa như thế nào?

- Trà sữa đến Việt Nam từ năm 2000, khi đó trà trân châu trở thành xu hướng. Dần dần, nhiều thương hiệu hình thành như Alo trà, Hoa Hướng Dương… Lúc đó, thị trường trà sữa đã rất mạnh.

Sau thời gian đó, hãng nào trụ được thì phát triển tốt còn hãng nào xuống là xuống cắm đầu luôn.

Lúc ấy, cần một loại vitamin mới cho thị trường. Và khi đó, cà phê takeaway xuất hiện, bổ sung và mang tới một sản phẩm mới cho thị trường.

Trà sữa khi đó cần phải thay đổi vì các thông tin như hóa chất, trân châu làm từ nhựa… khiến người tiêu dùng hoang mang. Trà sữa muốn phát triển phải cải tiến và Tiên Hưởng bắt đầu vào Việt Nam.

Các đơn vị nước ngoài gia nhập mang công nghệ mới tới Việt Nam, chất lượng khác trà sữa cũ. Những người Việt muốn tham gia thị trường trà sữa thì phải đảm bảo được chất lượng sản phẩm ngang bằng và cao hơn. Tuy nhiên, có thể chọn mức giá mềm hơn một chút.

Giờ đây, trà sữa chủ yếu là take-away còn cà phê lại khác. Cà phê như ngồi chầu.

- Từng có cửa hàng trà sữa khách xếp hàng dài? Đâu là yếu tố tạo nên điều đó?

- Tôi nghĩ là chất lượng, thương hiệu và truyền thông.

- Cảm ơn các chia sẻ của Nam!

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên