DN Lý Quí Trung hé lộ 3 tử huyệt khiến chuỗi nhà hàng đẳng cấp Michelin Star, đình đám tại 10 nước nhưng vẫn phải đóng cửa tại Sydney
Chuỗi nhà hàng quốc tế nổi tiếng với món Dim-Sum của Hong Kong là Tim Ho Wan đã có mặt ở 10 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Singapore, Thái Lan… và cũng đã đến Việt Nam.
- 06-02-2018"Cha đẻ" Phở 24 Lý Quí Trung: Tôi rất giỏi trong việc đóng cửa nhà hàng, tôi không nhớ đã đóng cửa bao nhiêu cái nữa...
- 30-01-2018“Cha đẻ” Phở 24 Lý Quí Trung lần đầu trải lòng về thương vụ bán cho Việt Thái: Phở 24 không lỗ trước khi bán, mà do tôi mệt, hết máu lửa
Năm 2009, Mak Kwai-pui, cựu đầu bếp của nhà hàng nổi tiếng từng đạt 3 ngôi sao Michelin Lung King Keen chính thức mở quán dim sum 20 chỗ của chính mình tại Mongkok. Chỉ 1 năm sau, nhà hàng Tim Ho Wan của ông đã nhận ngôi sao Michenlin đầu tiên tại Hong Kong. Vài năm sau, Tim Ho Wan bắt đầu mở rộng chuỗi cửa hàng của mình ra nhiều địa điểm tại Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan cho tới Mỹ, Singapore, Việt Nam, Philippines,...
“Giã từ cuộc chơi” tại thị trường Sydney
Tim Ho Wan đã đến Sydney (Australia) được 3 năm. Theo thông tin trên Facebook của doanh nhân Lý Quí Trung, cách đây không lâu, mỗi lần thương hiệu này khai trương một tiệm mới là thực khách xếp hàng rồng rắn. Kiếm một chỗ ngồi không phải dễ. Và tiệm nào cũng hoành tráng với diện tích mấy trăm mét vuông trở lên.
Nhưng mới đây, thương hiệu này đã phải đóng cửa hàng loạt và giã từ thị trường Sydney.
Doanh nhân Lý Quí Trung. Ảnh: Nguồn Facebook
Vốn là người có kinh nghiệm lâu năm về kinh doanh ẩm thực, nhà sáng lập chuỗi phở 24 Lý Quí Trung đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến thương hiệu mạnh này phải “giã từ cuộc chơi” tại thị trường Sydney.
Thứ nhất, mặt bằng quá lớn và đắt địa nên tiền thuê nhà thuộc loại khủng, áp lực doanh số rất lớn. "Phải đông khách từ sáng đến tối mới đủ sở hụi", anh chia sẻ.
Thứ hai, nhân viên quá đông do mô hình kinh doanh đòi hỏi như vậy. Ở Châu Á nhân công rẻ thì không vấn đề nhưng ở các nước phương Tây như Úc thì là “big problem” nếu không muốn nói là ‘chết người’. Theo phân tích của Lý Quí Trung, nhìn nhân viên của Tim Ho Wan đông nghẹt từ ngoài vào trong bếp mà có thể tưởng tượng áp lực doanh số vô cùng lớn. Thậm chí, buổi nào chỉ đông nửa rạp thôi là coi như tiêu.
Vì vậy, doanh nhân này cho rằng nếu mô hình kinh doanh quá tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều sức người thì một là không nên vào thị trường này vì không phù hợp. Hai là phải điều chỉnh lại mô hình cho thật gọn nhẹ - mà nếu gọn nhẹ quá thì lại đánh mất chính mình rồi còn gì.
Nên không phải mô hình thành công ở địa điểm này hay thành phố này là có thể nhân rộng sang địa điểm khác, thành phố khác.
Thứ ba, dù chuỗi lớn hay chuỗi nhỏ, tiệm danh tiếng hay chưa danh tiếng, đã là nhà hàng thì khâu dịch vụ / service phải thật là tốt. Lý Quí Trung cho biết phần lớn các review dành cho Tim Ho Wan trên mạng thì thấy lời chê nhiều hơn lời khen. Mà ai cũng biết, lời chê là lời thiệt còn lời khen thì một số trong đó có thể được xào nấu theo yêu cầu.
Kinh doanh là kinh doanh, cuối ngày đếm tiền phải có lời
Theo doanh nhân họ Lý, nhiều lý do khác nữa nhưng nói chung và quan trọng nhất, cũng là mô hình kinh doanh có đem lại hiệu quả kinh tế thực sự hay không. "Business is business (kinh doanh là kinh doanh). Cuối ngày đếm tiền phải có lời", Lý Quí Trung thẳng thắn.
Bởi một khi có lời thì tất cả những khiếm khuyết, khó khăn đều là chuyện nhỏ, trước sau gì cũng có cách vượt qua. Ngược lại thì tất cả trở thành vô nghĩa.
“Có lẽ đó là lý do chính tại saoTim Ho Wan quyết định rời bỏ cuộc chơi sau gần 3 năm thử sức ở thị trường Sydney. Họ quyết định như vậy là khá dứt khoát, có bản lĩnh, và nhiều kinh nghiệm. Đâu phải chỉ thành công mới gọi là giỏi, mà đôi khi biết cách thất bại, biết cách bảo toàn lực lượng, cũng là giỏi”, doanh nhân Lý Quí Trung nhận xét.
Trí thức trẻ