MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

DN Việt chọn cách “khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà”

Thông điệp của Chính phủ đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ nên giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, giữa lời nói và hành động.

“Phát triển DN Việt Nam”, chỉ với một mệnh đề đó thôi nhưng chúng ta đã phải trải qua một quá trình trăn trở cả về tư duy và chính sách trong ba, bốn chục năm nay. Và đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Con đường đi vẫn còn mấp mô, vẫn có nhiều ổ gà”, TS.Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phát biểu tại “Diễn đàn phát triển doanh nghiệp 2017”. do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 50 ngày thành lập.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cải cách: Thành quả nhiều nhưng vẫn xa kỳ vọng

Những năm gần đây, tuy nền kinh tế vẫn còn bộn bề những khó khăn, thử thách, nhưng chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều sự đổi thay tích cực; nhất là quyết tâm chính trị lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong cải cách thể chế để tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Điều đó thể hiện qua số DN thành lập mới cả nước đạt kỷ lục với hơn 110.000 DN, tăng 16,2% so với năm 2015. Số vốn cam kết đưa vào thị trường là 891.094 tỷ đồng, đạt tỷ trọng 8,09 tỷ đồng cho mỗi DN thành lập mới; tăng 48,1% so cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, “thẳng thắn mà nói, chúng ta chưa thể thỏa mãn với những kết quả đó, vì môi trường kinh doanh của Việt Nam dù đã có những thay đổi khá tốt trong thời gian qua, nhưng so với các quốc gia khác, trước hết trong khu vực ASEAN, vẫn còn khoảng cách khá lớn”, TS. Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết và nói thêm: So với mong muốn của DN thì lại càng xa hơn.

Theo đó, DN vẫn đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động của mình, từ chi phí không chính thức đến vay vốn khó khăn, chi phí vốn còn cao so với tỷ suất sinh lợi của nền kinh tế và so với các nước, thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và trình độ phù hợp, chất lượng kết cấu hạ tầng kém, chưa đồng bộ cho đến các vướng mắc và khó khăn về thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan hay xuất - nhập khẩu…

TS.Võ Trí Thành cũng nhận xét rằng, số lượng DN tăng lên rất nhanh nhưng đóng góp trong GDP không to ra và Chính phủ đã tạo ra 3 cái bánh răng với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN phát triển, đó là trình Quốc hội ban hành nhiều luật quan trọng, đó là Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, nhưng 3 bánh răng đó được vận hành không khớp và vẫn quay tại chỗ. Mặc dù Việt Nam cũng đã có những DN lớn, những tập đoàn tư nhân lớn nhưng nhìn lại lực lượng DN Việt Nam đông nhưng không lớn được và chất sáng tạo không cao, phần lớn DN Việt chưa tham gia được vào chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu.

DN cứ nhỏ để khỏi gặp rào

PGS.TS. Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra điểm yếu của DN Việt là quy mô vốn hạn chế khiến các DN tư nhân không tận dụng được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô. DN tư nhân trong nước không đủ năng lực tài chính để đầu tư vào tài sản cố định, máy móc công nghệ để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong khi đó DN vẫn phải đối diện với rất nhiều những rào cản thể chế, những bất cập chính sách.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI cũng nêu lên hàng loạt những rào cản đang cản trở DN phát triển và tóm lại bằng một câu “DN đang kinh doanh trong chật vật”. Trong bối cảnh và môi trường này, DN Việt chọn chiến lược theo suy nghĩ "khôn thì dựng trại, dại thì dựng nhà”. Có nghĩa DN cứ nhỏ thể để tránh những phiền phức và giảm thiểu những lần phải vấp, phải vượt rào cản. Bởi càng làm lớn càng phải đi xa và đi càng xa là sẽ phải vượt nhiều rào hơn.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM thì chỉ rõ quy định về điều kiện kinh doanh đã và đang là một rào cản lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của DN, làm nảy sinh bất lợi cho hoạt động kinh doanh như: rủi ro; hạn chế cạnh tranh; hạn chế sáng tạo - kinh doanh theo chuỗi; gia tăng chi phí; và tác động không cân đối đến DNNVV...

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn? Làm thế nào để Chính phủ cùng với DN tận dụng, vận dụng những thời cơ do quá trình đổi mới, hội nhập và cải cách các chính sách thể chế kinh tế đem lại. Thông điệp của Chính phủ đã đủ mạnh, chính sách đã nhiều, định hướng đã rõ nên giải pháp quan trọng là hành động, là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực tế, xoá bỏ sự khác biệt giữa văn bản và thực thi, giữa lời nói và hành động.

Ông Hồ Sỹ Hùng đã nêu lên những khuyến nghị chính sách. Đó là: Xoá bỏ mọi định kiến, rào cản; cải cách mạnh các thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh cho DN, điều chỉnh các cơ chế chính sách để tạo điều kiện tiếp cận đất đai và tín dụng cho DN, hỗ trợ DN mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư kinh doanh với nhiều biện pháp cụ thể. Trong đó cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định về đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo thống nhất với Luật Đầu tư, Luật DN và các luật liên quan nhằm đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh, minh bạch và dễ tuân thủ. Rà soát các khoản phí có liên quan trực tiếp đến chi phí của DN để xem xét giảm mức phí tạo thuận lợi giảm chi phí đầu vào cho DN. Có các giải pháp phù hợp để giảm lãi suất; đẩy nhanh xử lý vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản để trả nợ cho DN, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và DN…

Những điều ông Hùng nêu, chính là mong mỏi của DN và chính là những điều các chuyên gia đều đồng thuận, và cho rằng chỉ cần làm được như thế DN Việt sẽ lớn, sẽ phát triển như kỳ vọng.

Theo Linh Đan

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên