MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đô thị hóa ở Trung Quốc: Những thành tựu và mặt trái

02-05-2017 - 13:02 PM | Tài chính quốc tế

Đô thị hóa là một phần quan trọng của cải cách cơ cấu khi Trung Quốc chuyển đổi nền kinh tế sang dựa nhiều hơn vào sản xuất và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa của nước này đạt được nhiều thành tích lớn, góp phần đưa nền kinh tế phát triển nhanh, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề và không rõ sự cải thiện về chất lượng cuộc sống có tiếp diễn, khi các thành phố bị ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và đắt đỏ hơn.

Thành thị hóa nhanh chóng

Năm 1953, trên 85% dân số Trung Quốc vẫn sinh sống ở khu vực nông thôn và bắt đầu từ những năm 1970, khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa nền kinh tế, nhiều nhà máy mọc lên ở vùng duyên hải và chính phủ nước này đã nới lỏng các quy định trước đó.

Trong vài thập niên sau đó, hàng trăm triệu người đã bỏ ruộng đồng tới các thị trấn và thành phố làm việc, và kết quả là trong các năm 1982-2015, tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc tăng từ 21% lên 56%. Vào tháng 4/2016, tỷ lệ dân số thành thị là 56,1%. Bộ Kiến thiết nước này dự báo tỷ lệ đó sẽ cán mốc 60% vào năm 2020 và 70% (với 900 triệu dân đô thị) vào năm 2025.

Nền kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng với nhịp độ cao trong thời gian dài, từ đây quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhất là các đô thị phía Đông Nam, đô thị vùng ven biển, ven các sông lớn. Đến nay, Trung Quốc đã có nhiều thành phố có quy mô lớn và hiện đại vào bậc nhất thế giới, trở thành lực thúc đẩy các thành phố lân cận phát triển về mọi mặt, giúp phát triển các khu vực miền Trung, miền Tây, miền Bắc. Kết quả của sự phát triển đô thị này không chỉ là Trung Quốc có nhiều thành phố lớn, với hơn 100 trong số đó có hơn một triệu người mà một số là thành phố siêu lớn.

Vào cuối năm 2014, chính phủ nước này cuối cùng đã thừa nhận bản chất đặc biệt của những thành phố kiểu này, gọi đó là "siêu thành phố" để mô tả những thành phố có dân số - bao gồm cả các thành phố vệ tinh - trên 10 triệu người (trong số 30 thành phố trên toàn thế giới thuộc loại này, có sáu ở Trung Quốc).

Trong định hướng phát triển chung, Trung Quốc tập trung phát triển các vùng có lợi thế trước (miền Đông, miền duyên hải), sau đó mới quay trở lại đầu tư phát triển cho các vùng khác (miền Trung, miền Tây, miền Bắc). Trong quá trình quy hoạch mỗi thành phố, nước này quan tâm đến sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn, nhằm đảm bảo sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm đất đai, tiết kiệm sử dụng đất nông nghiệp, phát huy vai trò và hỗ trợ nhau cùng phát triển. Mục tiêu quy hoạch đô thị là thúc đẩy quá trình đô thị hóa bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội chung, hỗ trợ nông thôn cùng phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, hội nhập kinh tế quốc tế.


Vận chuyển hàng hóa tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Vận chuyển hàng hóa tại một cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong công tác Quy hoạch và xây dựng các dự án trọng điểm, trong mỗi thành phố, mỗi khu vực, Trung Quốc coi trọng việc nghiên cứu lựa chọn, hoạch định, quy hoạch, xây dựng, các cơ chế chính sách tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các Đặc khu kinh tế, các khu khai phát, các khu công nghiệp, các cảng biển nước sâu, các khu trung tâm thương mại lớn, các đầu mối giao thông tổng hợp, công trình trọng điểm…, để phát huy lợi thế so sánh, coi đây là những đầu tàu, tạo động lực, tạo đà thúc đẩy phát triển thành phố, phát triển các vùng lân cận và khu vực chậm phát triển…

Trong Quy hoạch xây dựng, phát triển nhà ở đô thị, Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc cải cách về nhà ở đô thị, bằng nhiều hình thức, thực hiện thí điểm rồi nhân diện rộng…, thông qua việc vận hành tốt thị trường tài chính, thị trường đất đai, thị trường nhà ở, giải quyết nhà ở xã hội, đa dạng hóa loại hình nhà ở, huy động nhiều nguồn vốn, giải quyết tốt việc giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho các khu nhà ở. Trung Quốc đã đạt được những kết quả nhất định về lĩnh vực nhà ở đô thị; đến nay đã cơ bản giải quyết vấn đề nhà ở đô thị.

Trung Quốc cũng quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, đặc biệt tại các thành phố phát triển phía Đông Nam, coi giao thông là lĩnh vực đột phá để phát triển. Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông, đa dạng loại hình giao thông, kết nối thống nhất liên hoàn tạo thành các đầu mối giao thông lớn, gắn đầu mối giao thông với các trung tâm thương mại, tạo động lực thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại, gắn kết thống nhất giao thông trên mặt đất với giao thông ngầm, quản lý và sử dụng không gian ngầm hiệu quả, tập trung các nguồn lực, các chính sách thu hút nguồn vốn, đầu tư hệ thống các công trình đầu mối giao thông trọng điểm, các cầu vượt, các bãi xe công cộng…, phát triển, phát huy hiệu quả hệ thống giao thông công cộng, giảm sử dụng xe cá nhân, áp dụng các biện pháp quản lý hiện đại, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường.

Và những giới hạn

Ngân hàng Thế giới cho rằng mức độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn còn thấp hơn con số 70% được ước tính cho một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người như hiện nay. Dòng người di cư lũ lượt kéo về thành phố sẽ tiếp tục và đến năm 2030, các thành phố của Trung Quốc sẽ có hơn 1 tỷ người và một sự thay đổi tư duy sẽ là cần thiết để các thành phố ở nước này trở thành nơi đáng sống hơn.

Trung Quốc đang trong hướng tới mục tiêu trở thành siêu cường đô thị hóa và các chính quyền địa phương nước này đang có kế hoạch phát triển hơn 3.500 khu đô thị trong vài năm tới, với khả năng đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 3,4 tỷ người, bằng gần một nửa dân số toàn cầu. Tuy nhiên, với những thay đổi về kinh tế và nhân khẩu học, chương trình đô thị hóa trong 40 năm của Trung Quốc có thể đang đi đến giới hạn của nó.

Vào những năm 1970, nhiều thanh niên ở nông thôn Trung Quốc thiếu công ăn việc làm nhưng nay tình hình đã khác, khi dân số trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2011 và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm. Ngày nay, người lao động gần như không còn muốn ly hương như những thế hệ trước. Năm 2015, số người di cư giảm lần đầu tiên trong ba thập niên, giảm 5,68 triệu người. Bộ mặt nông thôn trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi và thu nhập ở nông thôn tăng nhanh hơn ở đô thị nhờ đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong nhiều thập niên và sự tiếp cận với thương mại điện tử.

Nhiều yêu cầu đang được đặt ra cho Chính phủ Trung Quốc như thực hiện chương trình cấp nước sạch cho hàng trăm triệu người đang thiếu nước, chương trình hành động quốc gia để kiểm soát lụt như đã diễn ra ở khu vực miền trung và phía nam và cải cách hệ thống cấp hộ khẩu đã cũ khiến cho người di cư từ nông thôn không có được những quyền và các dịch vụ dành cho dân thành thị.

Hiện nhiều người từ các vùng nông thôn đang sống ở các thành phố nhưng không được tiếp cận các dịch vụ xã hội do không được coi là thị dân vì chế độ hộ khẩu căn cứ vào nơi sinh. Chế độ này đang từng bước chuyển sang đăng ký theo nơi cư trú theo quá trình cải cách hiện nay nhưng sự chuyển đổi này diễn ra chậm để duy trì ổn định xã hội.

Do nhiều rào cản nên những người di cư vào thành phố rất khó trở thành thị dân và điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như chênh lệch thu nhập, thiếu nhà ở, con cái không được đi học, tỷ lệ phạm tội cao và tình trạng “đô thị hóa với lao động giá rẻ” và không bình đẳng này là mầm mống cho các bất ổn xã hội đáng lo ngại.

Trong khi đó, đô thị hóa cũng gây ra những vấn đề nghiêm trọng và có những tác động đến sức khỏe cộng đồng, khi khoảng 2/3 đô thị thiếu nước do tình trạng ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, còn tình trạng ô nhiễm không khí cả nội và ngoại thành đã làm tăng tỷ lệ bệnh nhân đường hô hấp và bệnh nhân ung thư.

Tắc nghẽn giao thông cũng là một hệ lụy khác của quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc, nhất là khi số lượng xe ô tô đã tăng gấp 10 lần trong thập niên qua. Một số thành phố hiện đang tìm cách hạn chế xe ô tô. Các hệ thống tàu điện ngầm đang nhanh chóng được mở rộng theo cấp số nhân, xe buýt cũng có thể được chạy ở làn giữa của các đại lộ và việc sử dụng xe đạp nên được khuyến khích khi có làn dành riêng ở mọi nơi.

Để khắc phục các hạn chế trong quá khứ, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc do ông Tập Cận Bình đứng đầu đánh giá cao vai trò của đô thị hóa, sau ba năm chuẩn bị công phu đã công bố Quy hoạch quốc gia về đô thị hóa kiểu mới vào năm 2014, thông qua sử dụng hợp lý tài nguyên, xây dựng xã hội hài hòa và đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững. Đô thị hóa được coi không phải là kết quả của tăng trưởng kinh tế mà ngược lại xem đó là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Theo Lê Minh

TTXVN

Trở lên trên