MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản mong muốn gì tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5?

17-12-2022 - 19:32 PM | Bất động sản

Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, an toàn, bền vững.

Thị trường bất động sản đang rất khó khăn

Tham gia đóng góp phiên thảo luận Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 ngày 17/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đã có ý kiến và kiến nghị cần có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện một số giải pháp ngắn, trung và dài hạn để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững.

Doanh nghiệp bất động sản mong muốn gì tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5? - Ảnh 1.

Hội thảo chuyên đề với chủ đề “Lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”, nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, ngày 17/12/2022

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh , 8 năm qua, từ năm 2015 đến nay là giai đoạn đầy khó khăn, thách thức đối với thị trường bất động sản, các Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản, tác động dây chuyền đến hàng trăm ngành nghề của nền kinh tế.

Trước hết là các nhà thầu xây dựng, các đơn vị tư vấn xây dựng, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất, các nhà môi giới, các tổ chức tín dụng và cả thị trường chứng khoán. Do, kinh doanh bất động sản là một trong 21 ngành kinh tế cấp 1 trong tổng số 1.571 ngành kinh tế quốc gia.

Đặc biệt, 3 năm qua, nền kinh tế và thị trường bất động sản nước ta còn chịu tác động rất nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và các xung đột địa chính trị dẫn đến nhiều nước bị lạm phát cao, có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn tổng quát, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp. Cùng với đó, giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.

Doanh nghiệp bất động sản mong muốn gì tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5? - Ảnh 2.

Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững

Chủ tịch HoREA cho rằng, “vướng mắc pháp lý” của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở, mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu cũng nhận định, do thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời “tự cứu mình” để “tồn tại” trước đã và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệpkinh doanh bất động sản dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn); hoặc phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao đầy “rủi ro”, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với mức chiết khấu đến 40-50% giá hợp đồng; hoặc phải tinh giản đến trên dưới 50% lực lượng lao động, giảm lương, tác động tiêu cực đến vấn đề an sinh xã hội và nhiều hộ gia đình, nhất là đang cận kề Tết Qúy Mão 2023.

Đồng bộ các giải pháp để thị trường bất động sản phát triển minh bạch, bền vững

Để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên, cũng như tạo điều kiện để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững, ông Lê Hoàng Châu cho rằng cần có sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng với sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, trong đó, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp ngắn, trung và dài hạn.

Cụ thể, về giải pháp trung hạn, dài hạn cần tập trung thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Với mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của thị trường bất động sản.

Đồng thời thực hiện quyết liệt theo tinh thần Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” và Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương doanh nghiệp”.

Về giải pháp ngắn hạn, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành 2 Nghị định theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định gồm có Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và Dự thảo “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực đất đai”, đi đôi với sửa đổi một số Thông tư liên quan để khắc phục ngay một số bất cập, vướng mắc nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với luật hiện hành, trong thời gian chờ các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (mới) và một số luật liên quan được ban hành và có hiệu lực.

Chủ tịch HoREA đề nghị Chính phủ xem xét Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo đề xuất của Bộ Tài chính Như: Giãn thời gian thực hiện thêm 1 năm đối với quy định về xác định nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giãn yêu cầu xếp hạng tín nhiệm trong 1 năm. Hay cho phép doanh nghiệp được thay đổi kỳ han, hoán đổi trái phiếu đã phát hành tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư…

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nhà nước thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đây không phải là để “giải cứu” thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản mà chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết và chính cộng đồng doanh nghiệp bất động sản chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất.

Đồng thời, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ lãi suất hợp lý cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu để tăng tổng cầu và sức mua trên thị trường giúp cho doanh nghiệp bất động sản vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, tăng trưởng theo hướng phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.


Theo Minh Khuê

Báo Công Thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên