MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhấn mạnh các định hướng lớn cho năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả", yêu cầu phản ứng chính sách kịp thời, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế.

Chiều 17/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Cùng chủ trì sự kiện quan trọng này có các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Cùng dự Diễn đàn có các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các ý kiến đã tập trung đi sâu vào phân tích những vấn đề rất cơ bản cả trước mắt và chiến lược lâu dài về: Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới; lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023; phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển KTXH. Các báo cáo, phát biểu đã đánh giá rõ bối cảnh tình hình, các công việc làm được, kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và thảo luận, thống nhất về quan điểm, định hướng, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất

Các ý kiến đánh giá, năm 2022 là năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong của nền kinh tế, đặc biệt trong những tháng gần đây. Nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, các dự án tồn đọng, cần phải tập trung xử lý, tháo gỡ.

Trong bối cảnh tình hình rất khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực; kiên định, kiên trì thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra; vừa nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, vừa tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh; tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô.

Trong đó, Chính phủ đã chú trọng kiên trì mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ ổn định thị trường tiền tệ, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá, lãi suất. Bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về ổn định hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng). Ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán (thành lập Tổ công tác về ổn định thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp). Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đẩy mạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội (thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản). Ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu (điều chỉnh phù hợp chi phí, xử lý tình trạng thiếu hụt cục bộ nguồn cung xăng dầu).

Thủ tướng: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chính sách về miễn giảm thuế, phí, lệ phí. Quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm; Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (thành lập 6 Tổ công tác đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công).Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp, người dân.

Nhờ đó, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và nhiều điểm sáng tích cực. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; Việt Nam đã mở cửa lại từ giữa tháng 3, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi, phát triển KTXH. Việt Nam dự kiến là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, bình quân 11 tháng ở mức 3,02%, cả năm dưới 4%. Các cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi - thu NSNN 11 tháng vượt 16,1% dự toán, tăng 17,4%; xuất đủ nhập - kim ngạch XNK 11 tháng đạt 674 tỷ USD (đến nay đã vượt 700 tỷ USD), tăng 11,8%, xuất siêu 10,6 tỷ USD; an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu nông sản 50 tỷ USD, tăng 11,8%; trong đó xuất khẩu gạo gần 7 triệu tấn; an ninh năng lượng được bảo đảm; cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu). Tỷ giá, lãi suất được điều chỉnh phủ hợp. Đến hết tháng 11, tín dụng tăng khoảng 12% (vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2%).

Các ngành, lĩnh vực kinh tế đều tăng trưởng tốt; trong đó sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; sản xuất công nghiệp 11 tháng tăng 8,6%. Thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 20,5%.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc (tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường đạt 195.000 doanh nghiệp, tăng 33,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 11 tháng đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% và cao nhất trong 5 năm qua. Ước cả năm, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 tăng 11,4%, tương đương khoảng 34% GDP.

Những yếu tố nền tảng để phát triển

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã lắng nghe và thu hoạch được rất nhiều nội dung rất đúng, rất trúng tại Diễn đàn. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp, "tất cả đều phải vào cuộc", càng khó khăn, thách thức càng phải quyết tâm, đồng lòng, chung sức với tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chia sẻ về các yếu tố nền tảng để phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, tất cả doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân (mọi người dân, mọi doanh nghiệp hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình một cách tốt nhất); xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN (đầu tư, kinh doanh theo quy luật thị trường, quy luật cung-cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết).

Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, phát huy tối đa yếu tố quyết định là yếu tố con người; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Việt Nam đang triển khai 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.

Thực hiện nhất quán, vận dụng phù hợp đường lối đúng đắn nói trên, sau hơn 35 năm đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Ước tính hết năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người trên 4.000 USD năm 2021; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới.

Phân tích thêm về những kết quả của năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, đây là những điểm sáng đáng tự hào trong hoàn cảnh một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Bên cạnh những kết quả về kinh tế, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân được cải thiện. Phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh thực chất, hiệu quả, góp phần giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi chưa có nguy cơ. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và nâng lên.

Điều này có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát thực tiễn của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành hiệu quả của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân

Đồng tình với các đại biểu, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích tình hình, nguyên nhân và định hướng lớn trong xử lý những vấn đề tồn tại, bất cập cần tiếp tục giải quyết liên quan tới thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng tín dụng, thị trường lao động, cũng như tình trạng thiếu hụt cục bộ xăng dầu, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế vừa qua.

Thủ tướng lấy ví dụ, thị trường chứng khoán dễ bị "thổi" lên. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm, lãi suất cao đi kèm rủi ro nhưng không tư vấn cho khách hàng... Lĩnh vực ngân hàng có tình trạng sở hữu chéo. Thị trường bất động sản tập trung vào phân khúc cho người giàu.

Theo Thủ tướng, đây là những vấn đề xuất hiện trong quá trình vận động và phát triển do nhiều nguyên nhân khác nhau. "Đã có bệnh thì phải chữa, nhưng chúng ta cùng lúc xử lý nhiều vấn đề trong điều kiện khó khăn nên càng khó khăn. Song dứt khoát phải xử lý các sai phạm để các thị trường phát triển đúng bản chất, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, giữ ổn định hệ thống, bảo đảm lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan. Chữa bệnh thì phải mất thuốc, mất thời gian, mất công sức và phải chờ thời gian để ngấm thuốc", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, trong bối cảnh không bình thường thì Nhà nước phải có sự can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ; tất cả cùng suy nghĩ, cùng làm; hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, tránh tình trạng "lúc thuận lợi thì không sao, lúc khó khăn lại kêu Nhà nước".

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng tìm cách giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh khó khăn. Các tổ chức phát hành trái phiếu cần thực hiện theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, chủ động đàm phán với nhà đầu tư và nhà đầu tư cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp phát hành, theo đúng quy định pháp luật.

Về thị trường bất động sản, phải cơ cấu lại các phân khúc, giá, sản phẩm, hỗ trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại cho người thu nhập thấp... "Nhà nước có chính sách nhưng các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, không thể neo giá cao mãi, chỉ làm phân khúc cho người giàu thì người nghèo, thu nhập thấp không thể tiếp cận được", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Phản ứng chính sách kịp thời với ưu tiên phù hợp - Ảnh 4.

Các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Lựa chọn giải pháp tốt nhất với ưu tiên phù hợp

Thủ tướng nhấn mạnh năm 2023 là năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021-2025 với dự báo khó khăn, thách thức hơn so với năm 2022 và nhiều hơn thời cơ thuận lợi, đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức, có quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.

"Chúng ta không hoang mang, lo sợ, dao động, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh, nắm chắc tình hình để đưa ra giải pháp. Tất nhiên, không có giải pháp hoàn hảo, cũng không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có giải pháp, lựa chọn tốt nhất và phải có ưu tiên phù hợp", Thủ tướng phát biểu.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có Kết luận, Quốc hội đã có Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, trong đó xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023. Cơ bản thống nhất với các đề xuất, góp ý tại Diễn đàn, Thủ tướng nêu một số vấn đề trọng tâm trong quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành trong năm 2023 và thời gian tới theo tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả" .

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, thích ứng với tình hình.

Theo dõi, nắm chắc tình hình, chủ động, linh hoạt, có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, dứt khoát, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm trong bối cảnh nguồn lực có hạn, công việc nhiều; trong điều hành tuyệt đối không chuyển trạng thái đột ngột, "giật cục".

Tiếp tục nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; chính sách tài khóa tập trung, mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, tiết kiệm chi tối đa, nghiên cứu tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thuế, lệ phí; các chính sách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa, không triệt tiêu mà bổ sung cho nhau, bảo đảm hiệu quả tổng thể.

Giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ 4 công điện của Thủ tướng Chính phủ về các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, phát triển thị trường lao động, chăm lo đời sống người lao động. "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm làm, nhưng phải đôn đốc các bộ, ngành làm tích cực hơn", Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin. Huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư xã hội qua hợp tác công tư. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Khẩn trương tập trung thực hiện, hoàn thành công tác quy hoạch với tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ. Tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng nghề.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ chính sách tương đối ổn định để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hội nhập và đối ngoại, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quan tâm vấn đề lương thực, thực phẩm, giá năng lượng, nhà ở. Đẩy mạnh công tác truyền thông khách quan, trung thực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức phải xem công việc của người dân và doanh nghiệp như công việc của nhà mình.

Theo Hà Văn

VGP

Trở lên trên