MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bất động sản xoay sở ra sao khi chờ đợi các khung pháp lý quan trọng?

12-01-2024 - 10:59 AM | Bất động sản

Doanh nghiệp bất động sản xoay sở ra sao khi chờ đợi các khung pháp lý quan trọng?

Mặc dù giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã đi qua vào năm 2023 nhưng bước sang 2024 vẫn còn rất nhiều thách thức, trong đó pháp lý vẫn là điểm nghẽn quan trọng khiến các dự án bị ách tắc.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, vướng mắc pháp lý rất quan trọng trong thị trường bất động sản, chiếm đến 70% vướng mắc của các dự án. Các vướng mắc này tập trung ở 3 cấp độ, trong đó vướng lớn nhất là một số quy định thiếu tính đồng bộ, mâu thuẫn, xung đột pháp luật. Một số quy định trong văn bản dưới luật có liên quan đất lĩnh vực BĐS cũng vướng. Đặc biệt, vướng mắc trong thực thi pháp luật của cán bộ viên công chức các sở, ngành.

Theo ông Châu, những vướng mắc trong pháp lý là nguyên nhân chính khiến dự án bị tắc nghẽn, kéo dài thời gian chờ đợi làm doanh nghiệp bị nhỡ cơ hội, thời điểm ra hàng tốt. Thậm chí, có những doanh nghiệp bị khách hàng khiếu kiện do tắc pháp lý phải trả lại tiền cho khách, có những doanh nghiệp chấp nhận bỏ dự án vì không thể chờ tiếp.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu kể câu chuyện thực tế, doanh nghiệp ông đã theo đuổi 2 dự án tại Hà Nội và TP.HCM trong suốt mấy năm. Dù bỏ nhiều công sức nhưng sau cùng, công ty của ông quyết định từ bỏ dự án vì vướng mắc quy định đất ở.

Theo ông Hiệp, tình trạng này xuất hiện vài năm nay khi Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở quy định việc phải có "đất ở hoặc đất ở và đất khác" mới được chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại. Điều này đồng nghĩa dự án muốn được triển khai phải có 100% đất ở hoặc "dính" đất ở. "Đây chính là lý do mấy trăm dự án tồn đọng, không chuyển đổi được", ông Hiệp nói,

Không chỉ GP. Invest, mới đây Công ty TNHH Điện tử Ánh Sao (Công ty Ánh Sao) - chủ đầu tư dự án The Nosta tại 90 đường Láng (Hà Nội) vừa có thông báo phải dừng hợp đồng với khách hàng do khó khăn về pháp lý.

Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết đã gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và những vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Để giảm thiểu thiệt hại cho cả doanh nghiệp và khách hàng, Công ty Ánh Sao đã gửi đi thông báo dừng hợp đồng, cam kết hoàn lại tiền và đưa ra các biện pháp hỗ trợ khách hàng trong quá trình thực hiện thủ tục. Công ty Ánh Sao cho biết cũng sẽ đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ để đảm bảo hài hòa quyền lợi cả hai bên.

Trong bối cảnh thị trường chung có nhiều ảm đạm, nhiều nhà đầu tư liên tục bị "chôn vốn" , liên tục đi đòi lại tiền tại các dự án chậm tiến độ của các chủ đầu tư thì việc chủ đầu tư chủ động trả lại tiền cho khách sẽ tránh gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và khách hàng . Tuy vậy, theo chia sẻ của doanh nghiệp, đây cũng là cách cuối cùng "cực chẳng đã" phải đưa ra bởi chủ đầu tư luôn muốn dự án được triển khai, bán hàng, có doanh thu về.

Mặc dù những khó khăn nhất của thị trường đã đi qua trong năm 2023 nhưng năm 2024 được các chuyên gia đánh giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp bất động sản bởi Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản sửa đổi dù đã thông qua nhưng phải đến 1/1/2025 mới có hiệu lực. Đặc biệt, Luật Đất đai đang đợi thông qua ở kỳ họp Quốc hội tiếp theo năm 2024.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội thừa nhận, nhiều dự án cũng đang trong trạng thái chờ đợi các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở... có hiệu lực để từ đó có cơ sở để được phê duyệt, triển khai dự án.

Vị này nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên liên quan sự hồi phục của thị trường là việc sửa đổi luật, mà điển hình nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản…Nếu việc này được làm quyết liệt cũng như có văn bản hướng dẫn nhanh chóng sau đó thì có thể vào thời điểm cuối 2024 đầu 2025, thị trường sẽ có chuyển biến.

Minh Anh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên