Doanh nghiệp “bỏ quên” công nghệ số trong sản xuất
Công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing,...trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.
- 17-10-2020Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Covid-19 đã loại nhiều doanh nghiệp khỏi thị trường, vì sao một số vẫn đứng vững?
- 17-10-2020Phó Chủ tịch Hồi đồng Lý luận Trung ương: Kéo dài nghiên cứu đến mấy năm mà không ra được chính sách là mất hết cơ hội!
- 16-10-2020Bổ sung khu CNTT Yên Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu CNTT tập trung
Trong bối cảnh ASEAN là nền kinh tế lớn trong khu vực nhưng năng lực phát triển kinh tế số còn hạn chế, cộng thêm diễn biến khó lường của đại dịch COVID-19 gây nhiều ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong khu vực, dự án Digital STARS là sáng kiến của ASEAN BAC Việt Nam trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, hướng tới việc tạo dựng một hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số trong ASEAN, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực MSME, thúc đẩy phát triển kinh tế số khu vực.
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 hợp tác phát triển minh bạch và bền vững trong thời đại số, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Dự án di sản Digital STARS cho biết: Báo cáo “Chuyển đổi số: Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 và phát triển”, được thực hiện trong khuôn khổ dự án Digital STARS với do Viện Phát triển doanh nghiệp VCCI chủ trì với sự tham gia và phối hợp của VNPT, JETRO, và Base.vn, khảo sát hơn 400 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mục đích của báo cáo nhằm đánh giá những tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động của doanh nghiệp và phân tích xu hướng ứng dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.
Trước hết, báo cáo đã khái quát lại bức tranh tương đối toàn diện về những tác động mà dịch COVID-19 đem lại đối với doanh nghiệp trên nhiều phương diện khác nhau, cả trong hoạt động sản xuất, hoạt động bán hàng và doanh thu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong sản xuất, vấn đề năng lực sản xuất suy giảm do các hạn chế hoạt động/làm việc tại nhà là khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Liên quan đến hoạt động bán hàng, nhóm doanh nghiệp lớn bị ảnh hưởng nhiều hơn khi thị trường nước ngoài bị thu hẹp. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn trong việc giao tiếp để tìm kiếm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng hiện tại, khi nhu cầu trong nước suy giảm.
Covid khiến 3/4 số doanh nghiệp có mức doanh thu giảm
Số doanh nghiệp có mức doanh thu tăng đạt tỷ lệ rất thấp, còn lại có tới hơn 3/4 số doanh nghiệp có mức doanh thu giảm, cho thấy COVID-19 đã có tác động nghiêm trọng như thế nào đến các doanh nghiệp.
Có thể nói COVID-19 về mặt tích cực là hồi chuông cảnh tỉnh doanh nghiệp phải mau chóng bắt kịp xu thế chuyển đổi số để phát triển bền vững. Báo cáo cũng cho thấy nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing,...trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.
Toàn cảnh diễn đàn
Ông Phạm Đình Đoàn nhận định, tuy phần lớn các doanh nghiệp đã trang bị những năng lực nhất định để tiến hành chuyển đổi số xong mới chỉ nằm ở mức độ cơ bản và sơ khai, nhưng tỷ lệ số hóa trong sản phẩm dịch vụ còn thấp, tỷ lệ đóng góp của các sản phẩm dịch vụ được số hóa trong tổng doanh thu không cao.
Những rào cản chủ yếu khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong chuyển đổi số được kể đến như là chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, sợ rò rỉ dữ liệu doanh nghiệp, thiếu nhân lực có trình độ,....trong đó chi phí là rào cản lớn nhất.
Trước những khó khăn kể trên, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều đề xuất mong muốn Chính phủ có thêm những hỗ trợ, trong đó, thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ, hỗ trợ tài chính cho ứng dụng công nghệ số và minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu là ba kiến nghị được doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất sẽ làm nên thay đổi lớn trong xu thế chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ: “Đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trong khu vực, sản xuất bị gián đoạn, nhu cầu suy giảm, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy… Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây lại là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số. Hỗ trợ MSMEs chuyển đổi số cũng sẽ mang đến các cơ hội bình đẳng, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bao trùm”.
Theo VOV