MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu

08-08-2016 - 07:34 AM | Doanh nghiệp

Tại hội thảo về nhập khẩu nguyên liệu thủy sản được tổ chức cuối tuần này tại TP.HCM, các đại biểu cho rằng, thiếu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu đang là trở ngại cho các doanh nghiệp.

Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, hiện nay, nguyên liệu chế biến thủy sản thiếu khoảng 30-40% đang là trở ngại lớn cho các doanh nghiệp XK thủy sản. Do đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhằm khắc phụ những hạn chế này.

Theo bà Hằng, trong 6 năm qua, lượng và giá trị NK nguyên liệu thủy sản NK tăng khá mạnh. Nếu năm 2010, trị giá nguyên liệu NK là 3,25 triệu USD, nhưng đến năm 2015 con số này đã lên hơn 1 tỷ USD. Nguyên liệu thủy sản NK dùng cho gia công, SXXK đóng góp từ 7-14% giá trị kim ngạch thủy sản XK.

Ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc cơ quan Thú y vùng VI, nguyên liệu thủy sản NK chủ yếu là cua, cá, tôm, hải sản… Năm 2015, các doanh nghiệp Việt Nam NK nguyên liệu từ 132 nước, với sản lượng 200.000 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, NK từ 117 nước, với sản lượng 111.000 tấn.

Theo phân tích của ông Lữu, sản lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu tăng 6,5% so với cùng kì năm 2015. Nước nhập khẩu nhiều nhất là Ấn Độ, chiếm 15%; Nhật 12% và Đài Loan là 11%...Trong số nguyên liệu thủy sản NK chủ yếu là mặt hàng cá, năm 2015 NK trên 140 tấn; 6 tháng đầu năm 2016 NK trên 83 tấn. Tiếp theo là mặt hàng tôm, năm 2015 NK gần 44 tấn; 6 tháng năm 2016 NK trên 20 tấn nguyên liệu tôm…

Tôm là một trong mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng để có thể đáp ứng đơn hàng, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu ngày càng nhiều nguyên liệu do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, cho biết việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản là giải pháp cần thiết và trong mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỉ USD trong năm 2020 thì điều này không thể tránh khỏi. Theo ông Ích, năm nay với sự biến đổi khí hậu khiến diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó có tôm sú, tôm thẻ chân trắng... bị ảnh hưởng, suy giảm năng suất, thậm chí có nơi mất trắng nên áp lực có đủ nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp cũng khá lớn, do vậy nhiều khả năng sẽ phải nhập nhiều tôm về chế biến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng tôm nước lợ ở Đồng bằng sông Cửu Long trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu, giá tôm tăng nên nhiều nhà máy chỉ hoạt động 50-60% công suất. Dự báo 6 tháng cuối năm, không chỉ tôm nguyên liệu mà cả cá tra cũng sẽ thiếu hụt mà nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi trong nửa đầu năm nay.

Ngoài lý do dịch bệnh, còn có một nguyên nhân khác là giá tôm nguyên liệu nhập khẩu luôn thấp hơn giá tôm nguyên liệu trong nước khoảng 1-2 USD/kg, tương đương 22.000-44.000 đồng/kg nên trên khía cạnh kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chọn nhập khẩu để nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình trên thị trường xuất khẩu.

Những năm qua, theo phía doanh nghiệp, nguồn tôm nguyên liệu được nhập về chủ yếu là Ấn Độ, còn cá ngừ đại dương là từ Philippines, Indonesia…

Theo VASEP, năm nay diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, năng suất suy giảm do biến đổi khí hậu, nhưng do chủ động được nguồn nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tự tin đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2016 hơn 7 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015.

Theo Lê Thu

Hải quan

Trở lên trên