Doanh nghiệp chây ỳ nợ bảo hiểm xã hội: Sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam thông tin, những doanh nghiệp có số nợ trên 10 tỷ đồng đều bị đề nghị thanh tra. Qua thanh kiểm tra, xử phạt, nhiều doanh nghiệp đã tự động khắc phục.
- 09-02-2018Tranh cãi về việc thế chấp sổ BHXH cho ngân hàng
- 03-02-2018Đối tượng nào được điều chỉnh tiền lương và thu nhập tính đóng BHXH?
- 18-01-2018BHXH Việt Nam phản hồi kiến nghị gia hạn nợ 180 tỉ đồng của Mai Linh
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hết tháng 3/2018 tổng nợ đóng BHXH trên toàn quốc là gần 12.960 tỷ đồng, trong đó nợ BHXH gần 10.000 tỷ đồng, nợ BHYT 2.000 tỷ đồng. Trước thực trạng này, đại diện BHXH Việt Nam cho biết dù quy định khởi tố doanh nghiệp nợ BHXH đã có hiệu lực, nhưng không phải doanh nghiệp nào nợ, BHXH Việt Nam cũng chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để khởi tố.
Trước mắt, BHXH Việt Nam ưu tiên thực hiện đôn đốc, thanh kiểm tra để thu hồi nợ nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, sau đó nếu doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ mới chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Tại Hà Nội, ngày 4/4 Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã có buổi làm việc với 10 doanh nghiệp chậm đóng BHXH, để nợ đọng kéo dài ảnh hưởng quyền, lợi ích của người lao động. Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Kim Anh, Phó phòng Thanh tra (Thanh tra TP Hà Nội) cho biết, đầu năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội đã ban hành các quyết định thành lập 4 đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra tại 80 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT trên địa bàn.
Trong đó, tập trung thanh tra việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT trong việc thu, trích nộp BHXH, BHYT; xác định rõ số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, nguyên nhân và trách nhiệm, giải pháp khắc phục của đơn vị trong việc thực hiện trích nộp BHXH, BHYT.
Trong số 80 doanh nghiệp nợ BHXH nhận quyết định thanh tra trong tháng 1, 2 năm 2018, có 32 doanh nghiệp có số nợ BHXH lớn đã tự giác nộp tiền. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan chưa có động thái thanh toán tiền nợ sau thanh tra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động: không được trả sổ BHXH khi chấm dứt hợp đồng lao động, không được cấp thẻ BHYT nên không được hưởng các quyền lợi BHXH ngắn hạn như ốm đau, thai sản, dưỡng sức... người lao động nghỉ hưu không được giải quyết chế độ hưu trí kịp thời.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý mời đại diện 120 doanh nghiệp chây ỳ nợ BHXH, BHYT kéo dài đến trụ sở BHXH Thành phố để công bố công khai các quyết định thanh tra chuyên ngành do Thanh tra BHXH TP. 120 doanh nghiệp này là những đơn vị vi phạm bị thanh tra trong đợt đầu tiên, trong tổng số khoảng 400 doanh nghiệp sai phạm sẽ bị thanh tra trong năm 2018.
Theo Ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau gần 2 năm thực hiện việc khởi kiện nợ BHXH ra Tòa án, các cấp CĐ đã tiếp nhận 2.705 bộ hồ sơ do cơ quan BHXH chuyển sang; 20 LĐLĐ tỉnh, thành phố đã gửi đơn khởi kiện đến các cấp Tòa án 187 vụ doanh nghiệp nợ BHXH.
Đại đoàn kết