Doanh nghiệp chủ động ứng phó
Doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình biến động trên thế giới, cùng với tác động từ việc FED cắt giảm lãi suất để chuẩn bị biện pháp ứng phó phù hợp, tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trước mọi biến động.
- 04-08-2024Mức lương mới trong doanh nghiệp Nhà nước
- 03-08-2024Lý do toàn bộ nhân viên một doanh nghiệp ở Bắc Giang ngừng việc
- 03-08-2024Việt Nam trở thành "miền đất hứa" của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, các doanh nghiệp Việt làm thế nào để nắm bắt được cơ hội này?
Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) dẫn thống kê cho thấy trong quý II/2024, thương mại toàn cầu đã có bước phục hồi khá ngoạn mục, dự báo tăng 3% trong năm 2024. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị dai dẳng có thể leo thang lên mức nguy hiểm, có nguy cơ tác động tới hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại của Việt Nam thời gian tới.
Theo dõi sát sao diễn biến
Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, căng thẳng địa chính trị cùng với vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.
Đối với công nghiệp, cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển tại Việt Nam, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) và giá cả hàng hóa. Giá năng lượng cao có thể gây áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và chi phí sinh hoạt, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, Ukraine là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp như ngũ cốc và dầu ăn nên cuộc xung đột đã làm gián đoạn nguồn cung, đẩy giá các sản phẩm này lên cao. Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hoặc giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Về thương mại, chính sách duy trì lãi suất ở mức cao của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể làm thay đổi tỉ giá hối đoái USD/VNĐ, USD sẽ có xu hướng mạnh hơn so với đồng VNĐ, khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế…
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương cho biết sẽ thực hiện giải pháp tiếp tục các nỗ lực ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ với các quốc gia lớn để củng cố vị thế thương mại của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và giúp tăng trưởng kinh tế bền vững. Song song đó, đa dạng các mô hình phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời thúc đẩy phát triển triển thị trường trong nước thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá mạnh mẽ các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.
Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát sao các diễn biến chính trị - kinh tế toàn cầu và khu vực để có các phản ứng chính sách kịp thời và linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ tài chính và ưu đãi tín dụng cho các DN, giúp DN hoàn thành các hợp đồng đã ký kết và mở rộng hoạt động xuất khẩu.
Bộ Công Thương cũng khuyến cáo DN cần theo dõi sát sao các quyết định của FED và chuẩn bị các biện pháp ứng phó. Các biện pháp này có thể bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất trong nước và tìm kiếm các nguồn vốn thay thế để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam.
Theo dõi sát việc FED cắt giảm lãi suất
Theo các chuyên gia, những biến động trên thị trường tài chính quốc tế vừa qua, đặc biệt là xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông, ngày càng căng thẳng.
Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối phân tích - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nhận định sau tin tức mới nhất về tốc độ tăng việc làm phi nông nghiệp yếu tại Mỹ, hiện có sự đồng thuận là chắc chắn FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần và thậm chí có thể cắt giảm 0,5 điểm % cơ bản trong năm nay. Tin tức này đã khiến chỉ số USD (DXY) giảm 0,75% vào hôm qua xuống 102,5 điểm.
"Dự kiến 2 lần cắt giảm lãi suất của FED có thể sẽ đẩy chỉ số DXY xuống dưới 100, giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bơm thanh khoản vào thị trường và giúp dễ đạt được mức tăng trưởng tín dụng 14% hơn. Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa cắt giảm lãi suất OMO (thị trường mở) từ 4,5% xuống 4,25%" - ông Barry Weisblatt David nói.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM, nhận định việc FED giảm lãi suất từ tháng 9 tới có thể không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của việc điều chỉnh lãi suất có độ trễ nhất định. Chưa kể, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đi lệch pha so với Mỹ, như ngày 5-8, Ngân hàng Nhà nước vừa cắt giảm lãi suất điều hành trên OMO nhưng Mỹ vẫn duy trì lãi suất cao.
"Áp lực của tỉ giá USD/VNĐ thường mang tính mùa vụ, mà thời điểm này áp lực lên thị trường là không nhiều. Thực tế là tỉ giá đã hạ nhiệt đáng kể vừa qua. Việc kỳ vọng FED giảm lãi suất sẽ mở ra nhiều dư địa cho Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa kiểm soát tốt tỉ giá. Việc lãi suất OMO giảm sẽ góp phần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đẩy vốn ra thị trường thời gian tới" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.
Theo các chuyên gia của VNDIRECT, việc tăng trưởng chậm lại của Mỹ có thể gây áp lực nhất định lên dự báo xuất khẩu của Việt Nam, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng ta. Nhưng tác động này là không lớn bởi trên thực tế, hoạt động sản xuất của Việt Nam vẫn diễn ra mạnh mẽ trong tháng 7; chỉ số PMI (chỉ số kinh tế được sử dụng để đo mức độ hoạt động của ngành sản xuất và dịch vụ trong một nền kinh tế) đạt 54,7 điểm, nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh.
Đối với quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), ông Barry Weisblatt David nhận định chỉ tác động nhỏ đến Việt Nam. Một số chuyên gia kinh tế trong nước cũng có chung nhận định này khi cho rằng Nhật Bản chỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ sáu của Việt Nam. Mặt khác, hầu hết khoản đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam là nguồn vốn hỗ trợ phát triển (giữa các Chính phủ) hay nguồn vốn FDI dài hạn, như khoản đầu tư 1,5 tỉ USD của SMBC vào VPBank. Dòng vốn này vốn không nhạy cảm với những biến động tiền tệ ở mức vừa phải giống như cách mà các dòng vốn ETF sẽ phản ứng. Do đó, dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam không bị ảnh hưởng.
Dù vậy, phân tích tổng thể tình hình thế giới cùng với tác động từ việc FED cắt giảm lãi suất, các khuyến nghị được đưa ra là DN cần theo dõi sát sao tình hình, chuẩn bị biện pháp ứng phó phù hợp để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trước mọi biến động.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG:
Cần đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước
Những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội nước ta. Vì thế, để vượt qua khó khăn, thách thức, trong thời gian tới, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Trong đó, cần tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, người dân.
Cần ưu tiên đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, khai thác tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các FTA đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam ĐẶNG PHÚC NGUYÊN:
Tận dụng lợi thế lớn từ các thị trường gần
Tình hình leo thang xung đột gần đây ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy hàng hóa trên thế giới. Trong đó do căng thẳng tại biển Đỏ, hàng hóa vận chuyển từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á và ngược lại kéo dài thêm 2-3 tuần, cước tàu biển tăng 2-3 lần, thiếu container rỗng để đóng hàng... khiến xuất nhập khẩu ở những thị trường xa khó khăn.
Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế xuất khẩu thị trường gần là Trung Quốc, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong 6 tháng đầu năm 2024, riêng 3 thị trường khu vực Đông Bắc Á này chiếm đến 73% thị phần xuất khẩu.
Ngành rau quả Việt Nam cần tận dụng lợi thế lớn từ các thị trường này, bằng cách đàm phán mở thêm nhiều mặt hàng mới.
Ông NGUYỄN VĂN THỨ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm G.C (GC FOOD):
Cân đối sản xuất, tránh tồn kho lớn
Xung đột có nguy cơ leo thang ở nhiều nơi trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến xuất nhập khẩu. Người tiêu dùng trên toàn cầu thận trọng hơn, thắt chặt chi tiêu nên sức mua yếu. Cước tàu tăng bào mòn lợi nhuận của DN. Một số nước có đồng nội tệ giảm đi so với USD gây khó khăn cho hàng nhập khẩu.
Đây cũng là thách thức lớn, đòi hỏi DN trong nước phải chủ động ứng phó. Riêng GC Food, chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường tiềm năng; đồng thời có kế hoạch cân đối sản xuất, phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tránh trường hợp sản xuất nhiều, tồn kho lớn.
M.Chiến - T.Nhân - N.Ánh ghi
Nguy cơ mới đe dọa nguồn cung toàn cầu
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 5-8 bác bỏ nhận định dữ liệu việc làm trong tháng 7 yếu hơn dự kiến khiến nền kinh tế hàng đầu thế giới đang rơi vào suy thoái. Dù vậy, họ cảnh báo FED sẽ cần cắt giảm lãi suất để tránh kết cục này.
Bà Mary Daly, Chủ tịch FED San Francisco, nhận định nhiều chi tiết trong báo cáo việc làm mới đây cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng không lao dốc. Cũng theo bà Daly, thời điểm và quy mô cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế sắp tới và những dữ liệu này vẫn còn nhiều từ giờ đến khi FED nhóm họp trở lại vào giữa tháng 9. "Điều cực kỳ quan trọng là chúng ta không để thị trường lao động chậm lại đến mức tự rơi vào suy thoái" - bà nhận định với Reuters.
Cùng ngày, ông Austan Goolsbee, Chủ tịch FED Chicago, cho rằng thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc một phần do quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào tuần trước và căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông. Ông nhắc đến mục tiêu kép của FED là việc làm và ổn định giá cả, trong lúc lưu ý thị trường tài chính rất dễ biến động.
Tại cuộc họp vào tuần rồi, FED quyết định duy trì lãi suất trong khoảng 5,25% - 5,50%, cũng như báo hiệu họ đang trên đường bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh ngày 5-8 (giờ địa phương) do nỗi lo FED đã chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất. Thị trường chứng khoán châu Á cũng có ngày đầu tuần chìm trong sắc đỏ nhưng đã phục hồi hôm 6-8. Trong số này, các chỉ số Nikkei 225 và Topix tại Nhật Bản lần lượt tăng 10,23% và 9,3%.
Trong khi đó, giá dầu đã tăng hôm 6-8 do lo ngại về nguồn cung giữa bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông và sản lượng sụt giảm tại mỏ dầu Sharara của Libya. Theo Reuters, giá dầu thô Brent giao sau có thời điểm tăng lên 77,06 USD/thùng trong lúc con số này của dầu thô WTI giao sau là 73,86 USD/thùng. Theo giới phân tích, nguy cơ xung đột leo thang ở Trung Đông tiếp tục làm gia tăng nỗi lo trong thị trường dầu. "Khả năng xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông đang trở nên hiện thực, đe dọa nguồn cung toàn cầu" - chuyên gia Priyanka Sachdeva của Công ty Phillip Nova (Singapore) nhận định.
Hoàng Phương
Người lao động