Doanh nghiệp đề xuất 'xén đất' ga Nha Trang làm dự án BT
Nhà đầu tư đề xuất cải tạo tuyến đường sắt khu vực ga Nha Trang (Khánh Hòa), để thu hẹp diện tích nhà ga từ hơn 14h, xuống còn 10ha, số đất dư ra sẽ đổi cho phần chi phí nhà đầu tư bỏ ra.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa chủ trì cuộc họp nghe báo cáo và làm rõ các nội dung liên quan đến đề xuất xin chủ trương nghiên cứu đầu tư cải tạo tuyến đường sắt khu vực ga Nha Trang và xây dựng mới ga hàng hóa Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) của Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty Tuấn Dung đã báo cáo về hiện trạng ga Nha Trang, kiến nghị với Bộ GTVT cho phép doanh nghiệp được nghiên cứu, khảo sát, đầu tư thực hiện dự án tuyến đường sắt tránh thành phố Nha Trang và nhà ga Nha Trang theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), và hoàn vốn bằng quỹ đất của nhà ga hiện tại.
Hiện ga Nha Trang thuộc tuyến đường sắt Bắc – Nam, chức năng hỗn hợp ga khách và hàng hóa. Ga được bố trí nằm trọn trong đường ray vòng hình bóng đèn, với 5 đường ray đón gửi (2 đường chính tuyến và 3 đường xếp dỡ hàng hóa). Ngoài ra còn có đường ray, khu kĩ thuật, trụ sở làm việc tại các đơn vị đầu máy, toa xe; kho hàng diện tích 320m2.
Tổng diện tích đất khu vực ga Nha Trang là 14,8 ha. Theo quy hoạch đã được các cấp phê duyệt thì ga Nha Trang sẽ được cải tạo, chỉ còn chức năng tác nghiệp hành khách và diện tích dành cho ga khách là 4,8ha. Cùng đó làm cầu quay đầu máy mới để bỏ đường vòng như hiện nay. Như vậy, quỹ đất còn lại của ga là 10ha.
Tuy nhiên, trong khu vực đường vòng hiện có nhiều cư dân sinh sống xen kẽ, sẽ rất khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng để lấy lại quỹ đất, khai thác.
Đại diện các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp đều cho rằng, đề xuất của Tập đoàn Tuấn Dung cần được nghiên cứu kĩ, đặc biệt về phương án tài chính cũng như phản ứng dân cư, xã hội. Vì hiện tại, năng lực vận tải nhà ga vẫn đảm bảo nhu cầu vận chuyển trên tuyến, không bị áp lực.
Mặt khác, ga hành khách Nha Trang nên ở khu vực trung tâm thành phố, tạo thuận lợi cho hành khách đi tàu thì mới phát triển được vận tải đường sắt. Nếu di dời toàn bộ ga Nha Trang cần phải có phương án giao thông kết nối từ nhà ga mới về khu vực trung tâm.
Hơn nữa, việc di dời đòi hỏi số kinh phí rất lớn vì không chỉ đầu tư phần hạ tầng phục vụ trực tiếp chạy tàu mà còn cả hạ tầng kĩ thuật của các đơn vị đường sắt liên quan trong khu ga.
Ông Thể hoan nghênh sự quan tâm, nghiên cứu của Cty Tuấn Dung. Tuy nhiên, việc tháo dỡ cũng như đầu tư, cải tạo hạ tầng đường sắt quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ.
Dù vậy, ông Thể đồng ý để Công ty Tuấn Dung nghiên cứu tiền khả thi dự án, kinh phí do doanh nghiệp tự bỏ ra.
Tuy vậy, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu việc nghiên cứu này phải thực hiện đúng các quy định pháp luật, chi tiết phương án tài chính, tính khả thi của dự án; xin ý kiến của TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, lấy ý kiến của người dân… Bộ GTVT sẽ thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Chính phủ xem xét cho ý kiến.
Trước đó, dư luận xôn xao khu đất thuộc Trạm vật tư đường sắt Dĩ An (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được tháo rời đường ray, san mặt bằng và đã phân lô bán nền.
Còn đề xuất xây khu tổ hợp cao 70 tần tại khu đất thuộc ga Hà Nội cũng gặp phản ứng dữ dội của dư luận trước đó.
Tiền phong