Doanh nghiệp dệt may đối mặt với nguy cơ chững đơn hàng
May hàng xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty May Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Dù nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn đặt hàng sản xuất đến tháng 11 năm nay, song áp lực lạm phát có thể cản trở nhu cầu may mặc ở các nước phát triển trong trung hạn.
- 07-06-2022“Xanh hoá” toàn bộ chuỗi sản xuất phục vụ đơn hàng dệt may xuất khẩu EU
- 16-05-2022Đơn hàng dệt may tăng nhưng tỷ suất lợi nhuận giảm
- 15-05-2022Nam Mỹ - Thị trường tiềm năng cho hàng dệt may Việt Nam
Theo quan sát của Công ty Chứng khoán SSI, tại các công ty sản xuất hàng may mặc trong nước, khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng, ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang dự báo, nửa cuối năm 2022 thị trường thế giới sẽ có nhiều biến động khó lường, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và mục tiêu xuất khẩu của toàn ngành dệt may.
Tình hình lạm phát mạnh tại Mỹ và châu Âu khiến giá cả lương thực thực phẩm tăng vọt sẽ khiến sức mua các mặt hàng tiêu dùng; trong đó, có dệt may giảm sút đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp trong quý III và IV.
Chuyên gia phân tích SSI cho rằng, tác động tiêu cực đến doanh thu và biên lợi nhuận có thể xảy ra nếu nền kinh tế Mỹ - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra. Ước tính tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023
Trong khi đó, thống kê của Tổng cục Hải quan trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 15 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD. Xuất khẩu tăng mạnh sang thị trường Hoa Kỳ với trị giá xuất khẩu đạt 7,58 tỷ USD, tăng 26,1%, tương ứng tăng 1,57 tỷ USD và đóng góp 57% vào trị giá tăng xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Cùng với áp lực lạm phát, căng thẳng Nga – Ukraine chưa có hồi kết trong khi giá xăng dầu, chi phí vận tải biển liên tục tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp đội lên, giá các loại nguyên liệu đã tăng gần 30% so với trước là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.
Các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động, chủ yếu với các nhà máy FDI. Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ. Biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.
Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, dù công ty đã có đơn đặt hàng đến hết quý III, một số mặt hàng thế mạnh như sơ mi, veston đã có đơn hàng đến hết năm 2022 nhưng nếu thị trường tiêu thụ chậm, tỷ lệ tồn kho của các nhà nhập khẩu tăng lên khách hàng có thể điều chỉnh giảm hoặc huỷ đơn đột ngột. Với chuỗi sản xuất, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng khiến giá thành sản xuất tăng theo, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng thu hẹp.
Năm nay, một số doanh nghiệp đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng thấp hơn. Đại hội đồng cổ đông Công ty May Sông Hồng đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 4,9 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và 500 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Theo đại diện May Sông Hồng, kế hoạch thận trọng được đặt ra từ những phức tạp phát sinh từ tình hình giãn cách xã hội ở Trung Quốc, quốc gia mà công ty phụ thuộc phần lớn lượng vải nhập khẩu.
Trước đó, một số doanh nghiệp dệt may vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 5 tháng đầu năm. Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công có doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 77,4 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và 4,4 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ; hoàn thành 43% và 41% kế hoạch năm.
Cùng kỳ, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước và 87 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ; hoàn thành 41% và 31% kế hoạch năm. Với tỷ trọng đơn hàng CMT (Cut, Make, Trim) cao, TNG chịu áp lực chi phí lạm phát ít hơn các công ty khác. Hay, biên lợi nhuận của TNG sẽ ổn định hơn so với công ty sản xuất FOB (Free On Board) khi các công ty này phải đối mặt với chi phí vải và logistic ngày càng tăng như trên.
Phiên giao dịch sáng nay (27/6) chứng kiến sắc xanh của thị trường lan tỏa các ngành hàng; trong đó, cổ phiếu ngành dệt may tăng tích cực, lên đến 4%. Đóng phiên, cổ phiếu MSH của May Sông Hồng có giá 52.100 đồng/đơn vị; cổ phiếu TCM của Thành Công có giá 47.200 đồng/đơn vị và thị giá của cổ phiếu TNG của Công ty Đầu tư và Thương mại TNG là 30.800 đồng.
Báo tin tức