Doanh nghiệp dệt may triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường
Quý 1 năm nay, xuất khẩu dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn, đa phần doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất...
- 08-04-2023Doanh nghiệp dệt may nỗ lực vượt khó khi đơn hàng vẫn khan hiếm
- 07-04-2023Khó khăn đơn hàng, ngành dệt may ứng phó với tiền lệ chưa từng có
- 06-04-2023Gần 150.000 lao động mất việc trong 3 tháng, chủ yếu ngành dệt may
3 tháng đầu năm nay, ngành dệt may xuất khẩu giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, đa phần doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản phẩm, làm các mặt hàng không phải chủ đạo để có thể duy trì được hoạt động sản xuất, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: "Hiện nay, tình hình khó khăn không chỉ riêng đối với ngành dệt may mà là chung. Chúng ta biết rằng những thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu mức độ tăng trưởng của kinh tế của họ không đạt như kỳ vọng, chúng tôi cho rằng ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu dùng của người dân. Từ đầu năm đến nay, kinh tế khó khăn cho nên lượng tiêu thụ giảm đi rõ rệt, lượng tồn kho tăng lên, cho nên chính vì vậy mà doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn".
Theo ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng giảm, thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc. Hiện nay, May 10 đang tập trung vào công tác thị trường, tiết kiệm tối đa chi phí, nâng cao sức cạnh tranh bằng cách tăng năng suất lao động, đầu tư máy móc, các trang thiết bị hiện đại nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất cũng như đáp ứng nhanh các yêu cầu của khách hàng.
Theo ông Việt: "Thiếu đơn hàng thì không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra tất cả các nước đang sản xuất và xuất khẩu, trong đó có Bangladesh, Ấn Ðộ, Trung Quốc... May 10 chúng tôi đang tập trung vào đơn hàng có chất lượng cao, giá thì mức trung bình cao trở lên, đơn hàng thì mang tính nhỏ lẻ, đòi hỏi chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh.
Đây cũng là một thế mạnh của May 10 vì mỗi một đơn vị như May 10 có lối đi riêng. Quý 2 này thì cơ bản May 10 đầy đủ đơn hàng, mặc dù giá gia công, khách hàng cũng có yêu cầu giảm tuy nhiên chúng tôi đang cố gắng đàm phán với khách hàng để mức giảm giá là thấp nhất".
Do lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường nên nhiều doanh nghiệp dệt may đã sớm đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, bảo đảm thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đặc biệt tăng cường giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, bảo đảm dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.
Nhiều doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang đẩy mạnh phát triển chuỗi sản xuất sản phẩm dệt kim, giúp các đơn vị sản xuất vải và may chủ động nguồn cung nguyên liệu, giảm tồn kho sợi, tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng của chuỗi. Đồng thời, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để bảo đảm vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng./.
VOV