MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp địa ốc vượt ải

17-09-2020 - 09:45 AM | Bất động sản

Hầu hết chỉ số liên quan đến đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn TPHCM đang giảm sâu so với cùng kỳ năm trước. Những kết quả này do bị tác động bởi đại dịch Covid-19, hay từ nguyên nhân nào khác? Và cái đích là các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã vượt “ải” trong muôn trùng khó khăn.

Thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM, từ đầu năm đến nay chỉ có 14 dự án đủ điều kiện huy động vốn, giảm 10 dự án so với cùng kỳ năm trước (-41,6%); tổng số căn hộ đưa ra thị trường đạt 4.569 căn (-37,5% so với cùng kỳ); phân khúc căn hộ trung cấp (giá 20-40 triệu đồng/m2 1.243 căn hộ (-67,6% so với cùng kỳ); phân khúc căn hộ giá bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) 163 căn (-86,9% so với cùng kỳ)…

Theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết doanh nghiệp BĐS đều phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự, tìm mặt bằng có chi phí thấp hơn để duy trì, thậm chí dời văn phòng công ty về nhà, chỉ để giấy phép đăng ký kinh doanh tồn tại, còn mọi việc đều tạm ngưng. Ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch Công ty Địa ốc HASG, cho biết công ty vừa dời trụ sở có mặt bằng khá lớn tại một quận trung tâm về con đường nhỏ ở quận Tân Bình nhằm tiết giảm chi phí. Cùng với việc thu hẹp văn phòng công ty, doanh nghiệp cũng chỉ giữ lại những bộ phận chủ chốt để làm việc. Giám đốc một sàn môi giới chia sẻ, sàn giao dịch này mới “ra riêng” được hơn 1 năm thì gặp đại dịch, phải cho toàn bộ nhân viên môi giới và các bộ phận gián tiếp nghỉ việc, văn phòng dời về… nhà.

Ông Thân Quý Phái, Tổng giám đốc CTCP 557, cho biết công ty cũng đã phải cắt giảm hơn 10 lao động là các kỹ sư, bộ phận kỹ thuật… Nguyên nhân do thủ tục các dự án của công ty triển khai đang bị tắc. Khi triển khai được các bước tiếp theo mới tính tiếp, nhưng xem ra thủ tục bị tắc nghẽn không biết bao giờ mới thông.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM, cho biết 8 tháng năm 2020 toàn TP có hơn 26.500 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 562.000 tỷ đồng (giảm 6,7% số lượng doanh nghiệp, tăng 23% về số vốn đăng ký). Song bên cạnh đó gần 21.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tăng 5%), trong đó 3.566 doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục giải thể tại Sở KH-ĐT, tăng 12,31% và 10.382 doanh nghiệp ngưng hoạt động. Trong hàng ngàn doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động thời gian qua có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS.

Rào cản chính sách

Trao đổi với ĐTTC về những khó khăn của hoạt động kinh doanh BĐS trên địa bàn TP, ông Trần Lê Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song nguyên nhân chính yếu là các vướng mắc trong đầu tư kinh doanh BĐS chưa được tháo gỡ. Thời gian qua hàng loạt kiến nghị từ sở ngành, doanh nghiệp lên TP, từ TP lên bộ ngành Trung ương vẫn chưa có hồi âm. Cụ thể, tháng 4 Sở Xây dựng gửi văn bản lên UBND TP đề xuất hoàn thiện quy trình thực hiện dự án nhà ở thương mại (NoTM) theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Nhà ở. Tại Văn bản này Sở Xây dựng thống nhất quy trình thực hiện dự án NoTM gồm 5 bước, nhưng đến nay quy trình này vẫn chưa được thông qua.

Cũng trong tháng 4 UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý các dự án nhà ở có đất công xen cài, nhằm tháo gỡ vướng mắc cho hàng loạt dự án đang đắp chiếu, giúp các doanh nghiệp BĐS có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án, tăng nguồn cung nhà ở. Theo đó, đối với quỹ đất công có tổng diện tích dưới 1.000m2 trong các dự án (đất xen cài giữa các thửa đất, mương, rạch...), TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho TP giao chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Đối với quỹ đất có tổng diện tích đất công trên 1.000m2, kiến nghị Thủ tướng cho TP hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho Nhà nước quản lý, sử dụng.

Cũng tại văn bản này, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng gỡ vướng đối với quy định phải có 100% đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư. Bởi hiện nay TPHCM có khoảng 63 dự án đang vướng theo dạng này cần được tháo gỡ… Nhưng đến nay TP vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ông Kiên cho biết thêm, hiện nay các dự án nhà ở có đất xen cài đang bị ách tại Sở KH-ĐT do chưa có hướng dẫn cụ thể. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế- xã hội TPHCM 8 tháng năm 2020, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Giám đốc Sở TN-MT nhanh chóng rà soát để các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục về đất đai khi triển khai dự án, từ đó tạo nguồn thu cho TP. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TPHCM 8 tháng ước đạt 220.800 tỷ đồng, chỉ đạt 54% dự toán. Mức thu trung bình mỗi ngày làm việc trong 8 tháng 1.346 tỷ đồng, bằng 82% so với mức trung bình TPHCM phải thu mỗi ngày làm việc trong năm 2020.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị cơ quan thuế phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung khai thác nguồn thu từ đất, nhất là các dự án đã có quyết định giao đất nhưng vướng thủ tục nên chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan, những trường hợp đã hết hợp đồng cho thuê nhưng chưa được ký lại. UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP sớm hoàn thành hồ sơ thủ tục đưa ra đấu giá các mặt bằng nhà xưởng đã được UBND TP phê duyệt, hoàn tất thủ tục bán đấu giá để sớm có nguồn thu cho TP. Rõ ràng nếu không sớm khơi thông cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, nguồn thu của TP bị ảnh hưởng rất lớn.

Thủ tục hành chính, vướng mắc trong nhiều quy định, đang là rào cản đối với doanh nghiệp BĐS trong vượt ải giai đoạn khó khăn hiện nay.


Theo Đỗ Trà Giang

Sài gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên