Doanh nghiệp điều Việt Nam 'kêu cứu'
Hiệp hội Điều Việt Nam mới đây có công văn gửi Bộ Công Thương nêu kiến nghị nhằm giúp ngành điều đối phó với sự cạnh tranh gay gắt của điều nhân nhập từ châu Phi.
- 26-06-2022Tìm cách lấy lại tiền cọc từ các hãng tàu cho doanh nghiệp điều
- 10-03-2022Áp lực giá, phí: Doanh nghiệp điêu đứng
- 04-06-2021Doanh nghiệp điêu đứng trước "cơn bão giá" nguyên liệu
Theo ông Bạch Khánh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), mặc dù nhiều năm qua Việt Nam dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu nhưng vị thế đó của Việt Nam đang bị lung lay trầm trọng do việc cho phép nhập khẩu điều nhân vào Việt Nam mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước.
Hiện các nước trồng điều ở châu Phi phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô. Vì vậy, họ đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Đồng thời, với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu, áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được miễn thuế.
Theo Vinacas, chính sách của nhà nước hai bên như vậy dẫn đến sự bất bình đẳng trong thương mại, tạo điều kiện để điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam, mang đến nhiều nguy cơ lớn đối với toàn ngành điều Việt Nam. Hiện Việt Nam chỉ thực hiện 1 đến 3 công đoạn cuối (khoảng 20% toàn dây chuyền chế biến nếu tính từ điều thô), thậm chí chỉ đóng gói vào bao bì mới nên giá trị gia tăng không lớn.
Vinacas phân tích, nếu để phương thức kinh doanh này phát triển, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam để tồn tại cũng sẽ chuyển hướng. Từ đó, phải thu hẹp sản xuất theo hướng tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí đi phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư (mỗi nhà máy hiện đại thường phải đầu tư từ 100 đến 500 tỷ đồng). Nhiều công nhân, người lao động sẽ mất việc làm.
Ngược lại, các công ty hiện tại ở châu Phi thông qua Việt Nam bán được hàng, có lợi nhuận cao sẽ tiếp tục đầu tư. Các công ty khác cũng đầu tư những nhà máy mới. Công nghiệp chế biến điều của các nước này sẽ phát triển mạnh từ chính sự dễ dãi của thị trường Việt Nam và sự không công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp chế biến tại châu Phi và Việt Nam.
Từ đó, các nhà máy này sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chế biến tại chỗ, khiến các nhà máy nhỏ và vừa Việt Nam phá sản. Tiếp đến, họ vươn lên nắm vững công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và giành chiếm dần thị trường điều nhân thế giới.
Nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp với hạt điều thô trong nước, do giá thành chế biến, nhập khẩu không cao nên dễ dàng điều chỉnh giá bán. Điều này sẽ khiến giá điều thô trong nước chịu áp lực giảm lớn.
Các nhà máy chế biến ngày càng chịu áp lực chuyển sang sử dụng nhân điều nhập khẩu thay vì chế biến từ điều thô do chi phí chế biến và quản lý chế biến thấp hơn vì chỉ phải làm khoảng 20% công việc so với chế biến từ điều thô. Thời gian hoàn thành sản phẩm để giao cho khách hàng nhanh hơn. Dự trữ nguyên liệu ít hơn, ngắn hơn nên sử dụng vốn ít hơn, quay vòng nhanh hơn.
Do đó, hạt điều thô Việt Nam sẽ ngày càng khó tiêu thụ. Mặt khác, việc các nhà máy chế biến của Việt Nam thu hẹp dần sản xuất kéo theo vùng nguyên liệu bị thu hẹp, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều.
Trước những khó khăn trên, Vinacas khẩn thiết đề nghị các bộ ngành và Chính phủ sớm đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó có việc nước bạn miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam.
“ Trường hợp nếu đối tác không đồng thuận, đề nghị các Bộ, Ngành và Chính phủ xem xét để áp dụng nguyên tắc: Không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; Áp thuế xuất 25% với hạt điều đã bóc vỏ theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 10/07/2020; Áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam ”, Vinacas kiến nghị.
Một doanh nghiệp Việt suýt mất 5 container xuất khẩu hạt điều
Theo Vinacas, tháng 8/2022, một công ty Việt Nam xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria qua trung gian đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi chỉ đặt cọc 10% giá trị tiền hàng và trả số tiền còn lại khi hàng cập cảng.
Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem, khách hàng là công ty Eurl ATS Food (Algeria) không thể làm thủ tục thông quan vì họ bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách gian lận thương mại từ tháng 6/2022.
Sau đó, doanh nghiệp Việt và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận.
Theo hải quan cảng Mostaganem, công ty Eurl ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Hàng nằm ở cảng hơn 5 tháng, theo quy định hải quan Algeria được quyền bán đấu giá số container này.
Trước sự việc trên, Vinacas đã nhờ Thương vụ Việt Nam tại Algeria liên hệ hải quan Algeria hủy việc đấu giá sung công quỹ. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt đang hoàn thiện thủ tục để hoàn trả hàng về Việt Nam.
VTCnews