Doanh nghiệp dùng hóa đơn giấy dễ “giấu” doanh thu, né thuế hơn hóa đơn điện tử
Sử dụng hóa đơn điện tử là xu hướng tất yếu nhưng thực tế không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy để “giấu” doanh thu, “né thuế.
- 17-07-2018DN của nữ đại gia có siêu xe “độc nhất vô nhị” nợ thuế gần 34 tỷ đồng
- 16-07-2018Khóa điện thoại, cắt nước người nợ thuế: Quá lạnh lùng
- 15-07-2018Trên 1.200 doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ bị Cục thuế TPHCM 'bêu tên'
Xu thế tất yếu
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã đề cập đến việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử do các doanh nghiệp tự lựa chọn và thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay, sau gần 8 năm thực hiện, hóa đơn điện tử đã cho thấy nhiều lợi ích hơn so với hóa đơn giấy.
Thống kê cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp (DN) giảm tới 70% các bước quy trình phát hành; 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn; 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn; tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn...
Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho cả DN, khách hàng, cục thuế và xã hội. (Ảnh minh họa: KT)
Theo ước tính sơ bộ của Vụ Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), DN sử dụng hóa đơn giấy trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn và với số lượng hóa đơn cả nước khoảng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí bỏ ra cũng lên đến 2.500 tỷ đồng/năm. Nếu lấy con số này trừ đi phần tiết giảm được (50-70%) so với hóa đơn giấy, thì số tiền mà DN có thể tiết kiệm được do sử dụng hóa đơn điện tử lên tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Nhận xét về tiện ích của hóa đơn điện tử, ông Lê Thanh Dũng, Phó Giám đốc Công ty phần mềm kế toán Vacom cho rằng, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn; Đồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy...
Theo ông Lê Thanh Dũng, cho dù DN nằm phân tán, có nhiều chi nhánh khác nhau ở các thành phố khác nhau hay trong cùng một thành phố, thậm chí có các chi nhánh ở nước ngoài, sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp DN xoá bỏ các khoảng cách này. Qua đó, tiết kiệm được nhiều hơn nữa chi phí đi lại, thời gian chờ đợi, liên lạc.
“Với việc triển khai hóa đơn điện tử, không những DN nhận được những giá trị hữu hình mà còn có thể nhận được những giá trị vô hình khác, không thể quy đổi thành tiền được, như là giá trị cơ hội khi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hiện đại, tiện ích, nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của DN”, ông Lê Thanh Dũng nhận định.
Cũng theo nhiều DN đã sử dụng hóa đơn điện tử, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi DN sử dụng hóa đơn điện tử, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, DN chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan Thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận. Cùng với đó, DN không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan Thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng.
Không những thế, việc chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử cũng sẽ giúp ngành Thuế “quản” được việc phát hành hóa đơn của người nộp thuế; hỗ trợ tích cực cho công tác đối chiếu, xác minh hóa đơn để qua đó phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, giúp cơ quan Thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu hóa đơn tập trung và thống nhất để phục vụ công tác quản lý thuế của Nhà nước, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế; trên cơ sở đó sẽ giảm thiểu được các rủi ro cho cơ quan Thuế và doanh nghiệp sử dụng hóa đơn, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.
Còn nhiều trở ngại
Mặc dù sử dụng hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả DN, khách hàng, cơ quan thuế và xã hội, song thực tế không ít DN vẫn tìm cách “lách” luật, tiếp tục thực hiện hóa đơn giấy để “giấu” doanh thu, “né thuế.
Việc triển khai hóa đơn điện tử vẫn còn nhiều trở ngại (Ảnh minh họa: KT) |
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thinh, Học viện Tài chính, trên thực tế, rất nhiều người tiêu dùng khi đi mua hàng không quan tâm đến chuyện lấy hóa đơn và khi đó, các cơ sở kinh doanh cũng sẽ “không dại gì” khai thông tin hóa đơn giấy vào hệ thống điện tử để chịu thuế. |
“Thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng là một hạn chế, dẫn tới hóa đơn điện tử “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn”, PGS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Mặt khác, không ít kẻ lợi dụng sự nhập nhèm trong giao dịch sử dụng tiền mặt để lập công ty với mục đích mua, bán hóa đơn hoặc không ít DN đã cân đối thu, chi bằng cách mua hóa đơn đầu vào. Trong những trường hợp này thì hóa đơn xuất ra là thực nhưng giao dịch là giả. Không có hoạt động trao đổi hàng hóa nhưng vẫn có hóa đơn được xuất ra.Với cách làm này thì việc sử dụng hóa đơn giấy viết tay sẽ tiện lợi hơn so với hệ thống hóa đơn điện tử chính xác, minh bạch.
“Việc áp dụng hóa đơn điện tử cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, nhưng không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, viễn thông. Nhất là các DN nhỏ và vừa thường chậm trong việc tiếp cận công nghệ, ngại thay đổi. Ngoài ra, cũng có 1 số DN cố tình không sử dụng hóa đơn điện tử để trốn thuế, giấu doanh thu”, ông Thịnh cho biết thêm.
Bên cạnh đó, tin tức về các vấn nạn tin tặc, hay mất an toàn, an ninh mạng vẫn là mối “đe doạ” khiến nhiều DN lo ngại. Mặc dù, trong thực tiễn, đôi khi chỉ vì hạn chế trong nhận thức, hoặc DN chưa được phổ biến đầy đủ về thông tin đối với dịch vụ hoá đơn điện tử.
Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cấu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Tuy nhiên, để hóa đơn điện tử trở nên phổ cập thì cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của DN cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và công đồng DN kinh doanh tại Việt Nam./.
VOV