Doanh nghiệp dược lớn nhất sàn chứng khoán lãi kỷ lục năm 2023, lợi nhuận ròng lần đầu vượt nghìn tỷ
Với kết quả đạt được, doanh nghiệp dược này đã hoàn thành vượt kế hoạch cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra cho cả năm 2023.
- 21-01-2024Doanh nghiệp thuỷ điện "xông đất" HoSE năm 2024 báo lãi sụt giảm 60%, cổ phiếu đang tăng bốc lập đỉnh lịch sử "vội" quay đầu nằm sàn
- 21-01-2024Lãi lớn từ bán trái phiếu, lợi nhuận quý 4 của VNDirect tăng đột biến hơn 116 lần lên gần nghìn tỷ
CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) đã công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 1.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2022. Giá vốn tăng mạnh hơn khiến biên lãi gộp bị co lại từ 47% cùng kỳ năm trước xuống còn 43%. Lợi nhuận gộp tương ứng đạt 653 tỷ đồng, tăng 5% so với quý 4/2022.
Sau khi trừ chi phí, Dược Hậu Giang lãi trước thuế 292,6 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với quý 4/2022. Lợi nhuận ròng đạt hơn 261 tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ 2022. Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận tăng trưởng nhờ tập trung bán các sản phẩm chiến lược, thiết lập hệ thống phân phối chặt chẽ và kết nối được với khách hàng.
Lũy kế cả năm 2023, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.015 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.160 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 5,5% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi thành lập, doanh nghiệp đầu ngành dược lãi ròng trên nghìn tỷ trong một năm.
Năm 2023, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 1.130 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 3% so với kết quả năm 2022. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp này đã hoàn thành vượt kế hoạch cả 2 chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra.
Đánh giá về triển vọng 2024, báo cáo mới đây của Chứng khoán An Bình (ABS) cho rằng biên lợi nhuận gộp của Dược Hậu Giang sẽ được cải nhờ việc Trung Quốc mở cửa giao thương kinh tế từ đầu năm nay, nguồn cung được phục hồi giúp giá API nguyên liệu đầu vào (chiếm khoảng 60% giá vốn) được bình ổn.
Bên cạnh đó, Dược Hậu Giang còn nỗ lực nâng cấp các nhà máy hướng tới đạt tiêu chuẩn Japan–GMP và EU–GMP để tăng khả năng cạnh tranh khi đấu thầu thuốc nhóm 1 và nhóm 2 tại kênh ETC (kênh bệnh viện). Đồng thời đẩy mạnh kênh xuất khẩu nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Taisho cũng như nỗ lực nâng cấp dây chuyền sản xuất để nâng cao số sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Dược Hậu Giang đã tăng 17% so với đầu năm, đạt 6.071 tỷ đồng. Sự gia tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu, hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Số dư tiền, tương đương tiền và tiền gửi cuối kỳ ở mức 2.324 tỷ đồng, chiếm 38% tổng tài sản.
Tính đến cuối năm 2023, tổng nợ phải trả của Dược Hậu Giang đạt 1.218 tỷ đồng, tương đương 1/4 vốn chủ sở hữu. Sốdư nợ vay tại ngày cuối năm chỉ ở mức 572 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp đã tích luỹ được 1.081 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối bên cạnh 2.458 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Trên thị trường, cổ phiếu DHG đang dừng ở mức 105.600 đồng/cp, thấp hơn 24% so với đỉnh lịch sử đạt được vào trung tuần tháng 7 năm ngoái. Giá trị vốn hóa của Dược Hậu Giang tương ứng đạt 13.800 tỷ đồng và doanh nghiệp dược lớn nhất sàn chứng khoán.
Đời sống Pháp luật