Doanh nghiệp FDI kiến nghị 4 vấn đề lớn về ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang xử lý các vấn đề thấy rằng có thể xử lý được ngay...
- 04-07-2018"Khu vực tài chính, ngân hàng đang có những biểu hiện cần đặc biệt quan tâm"
- 04-07-2018Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm
- 04-07-2018Ngân hàng Nhà nước chính thức can thiệp vào biến động tỷ giá
Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 diễn ra sáng 4/7, ông Nirukt Sapru, Trưởng nhóm công tác ngân hàng đã nêu 4 vấn đề lớn còn tồn đọng liên quan đến nhiều bộ ngành.
Và ngay tại diễn đàn, vị này đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ trong việc tăng cường phối hợp hoạt động để nhanh chóng tìm ra giải pháp cho các vấn đề đó.
Vấn đề thứ nhất được ông Nirukt Sapru đề cập là yêu cầu phải có chữ ký 'tươi', chữ ký và nhận xét của kế toán trưởng trên các chứng từ kế toán.
Theo nhóm ngân hàng thì đây là quy định có ảnh hưởng lớn đến quan hệ giữa chủ thể với chủ thể và giải pháp sử dụng cổng thông tin điện tử giữa khách hàng và ngân hàng.
"Chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cập nhật về vấn đề này để hỗ trợ quá trình số hóa nền kinh tế", vị trưởng nhóm ngân hàng phát biểu.
Vấn đề thứ hai ông Nirukt Sapru nêu là đồng bộ giữa luật ngân hàng và các luật khác. Vị này cho rằng, việc các quy định của luật ngân hàng được ban hành dựa trên các luật cơ sở như Bộ luật Dân sự gây khó khăn khi thực hiện việc mở tài khoản cho đối tượng không phải là pháp nhân.
Nhóm ngân hàng đề nghị Bộ Tư pháp xem xét và đưa ra hướng dẫn về vấn đề này theo các điều khoản của Bộ luật Dân sự, để theo đó Ngân hàng Nhà nước sửa đổi thông tư 32 (về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán - PV).
Vấn đề thứ ba nhóm công tác ngân hàng đề nghị là sửa đổi các điều khoản về bù trừ xử lý nợ của Luật Phá sản để tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành một đầu mối thực hiện bù trừ cho các giao dịch tài chính. Như vậy sẽ giảm được chi phí vốn, tăng cường quản trị rủi ro cũng như giúp chính phủ đẩy nhanh việc thực hiện định hướng phát triển thị trường phái sinh của Việt Nam. "Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn những bộ ngành liên quan khẩn trương giải quyết vấn đề này và nhóm công tác ngân hàng sẽ sẵn sàng chia sẻ những thông lệ quốc tế và hỗ trợ khi cần thiết", ông Nirukt Sapru nói.
Cuối cùng, vị Trưởng nhóm quay lại vấn đề đã được nêu từ diễn đàn VBF lần trước về giải pháp về điều chuyển vốn nội bộ để bảo đảm quản lý vốn lưu động và các giải pháp về thanh khoản đối với đầu tư FDI.
Ông Nirukt Sapru cho biết nhóm công tác ngân hàng đã tổ chức hai cuộc hội thảo với Ngân hàng nhà nước Việt Nam về vấn đề này và đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư ban hành các quy định cần thiết để thực hiện những giải pháp này.
"Chúng tôi tin tưởng rằng nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì Việt Nam sẽ có bước tiến dài trong việc củng cố ngành ngân hàng. Từ đó sẽ khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam", ông Nirukt Sapru bày tỏ.
Hồi âm kiến nghị của nhóm công tác ngân hàng, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thời gian qua cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhóm công tác ngân hàng nhằm xử lý các vướng mắc, kiến nghị của nhóm. Ngân hàng Nhà nước đã và đang xử lý các vấn đề thấy rằng có thể xử lý được ngay. Tuy nhiên có những vấn đề nếu nhìn từ góc độ quản lý ngành ngân hàng cần phải xem xét, cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo an toàn toàn hệ thống. Hay có những vấn đề phải phối hợp với các bộ, ngành liên quan nên cần thời gian xử lý.
Với 4 vấn đề trưởng nhóm công tác ngân hàng nêu, liên quan tới Bộ luật Dân sự, luật phá sản, kế toán… Phó thống đốc thông tin là Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với nhóm và đã thống nhất. Thời gian tới nhóm sẽ làm việc, trao đổi với các cơ quan, bộ ngành liên quan giải quyết vướng mắc, làm rõ trách nhiệm các bên. Qua đó Ngân hàng Nhà nước có cơ sở phối hợp với nhóm, giải quyết dứt điểm các vấn đề nhóm nêu ra.
Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các bên để giải quyết vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, Phó thống đốc phát biểu trước hàng trăm doanh nhân trong và ngoài nước.
Vneconomy