Doanh nghiệp hàng không căng mình tái định vị
Các hãng hàng không trong nước liên tiếp tung ra một loạt giải pháp để cạnh tranh, đồng thời khẳng định chỗ đứng trong giai đoạn mới.
- 10-06-2020Phân vùng kinh tế: Không thể “dàn hàng ngang cùng tiến”
- 09-06-2020Tin vui cho các hãng hàng không: Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay
- 05-06-2020Phi công trả lại lương 'trăm triệu' hỗ trợ hãng hàng không vượt dịch COVID-19
Theo thông báo từ Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO), có hiệu lực từ ngày 16-6, dự kiến tới ngày 16-9 (giờ quốc tế), các chuyến bay đến Việt Nam vẫn không được phép chở khách, ngoại trừ các trường hợp nhập cảnh mang tính chất ngoại giao, công vụ, chuyên gia, thương gia, lao động tay nghề cao hoặc những trường hợp được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Tất cả hành khách phải cách ly bắt buộc 14 ngày.
Đua nhau giảm giá
Dù Việt Nam vẫn đang nghiên cứu từng bước nối lại đường bay với một số quốc gia, vùng lãnh thổ song việc mở lại đường bay thương mại quốc tế từ ngày 1-7 như dự kiến của một số hãng hàng không khó có thể thực hiện. Trao đổi với Báo Người Lao Động, đại diện một hãng hàng không Việt Nam khẳng định do chưa biết khi nào mở lại thị trường quốc tế nên hãng tập trung vào thị trường trong nước.
Sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch bệnh, thị trường nội địa phục hồi nhanh nên các hãng hàng không đã đẩy mạnh khai thác thị trường này. Ông Trần Thanh Hiền, Trưởng Ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines, cho biết dù tổng thị trường chưa đạt như năm 2019 song nhiều tuần của tháng 5 và 6, sản lượng khách của hãng đã vượt so với năm trước. Tuy nhiên, doanh thu bình quân vẫn giảm 50% do giá vé giảm. Các hãng hàng không đều đang cạnh tranh về giá, cạnh tranh dòng tiền.
Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch Covid-19 đã "đốt" 41% tài chính. Các hãng hàng không gần như chỉ có thị trường nội địa để khai thác nên cạnh tranh giữa các hãng hàng không Việt Nam càng gay gắt. Những ngày qua, hàng không Việt Nam đã chứng kiến những đợt khuyến mãi "chưa từng có trong lịch sử" khi các hãng đua nhau giảm giá kỷ lục để hút khách. "Bức tranh hiệu quả ngành hàng không vẫn giữ nguyên tới cuối năm và sẽ kéo dài đến những năm sau nếu nhà nước không có chính sách quản lý vĩ mô đối với ngành hàng không" - ông Hiền lo lắng. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng việc giảm giá hàng không sẽ giúp du lịch kích cầu song các doanh nghiệp không nên "giảm quá đáng" vì ảnh hưởng đến tiềm lực kinh tế.
Dù thị trường hàng không nội địa phục hồi song doanh thu bình quân của các hãng hàng không vẫn giảm
Mở nhiều đường bay mới
Bên cạnh giảm giá để hút khách, các hãng hàng không đang tiến hành một loạt giải pháp để khẳng định vị trí của mình trong giai đoạn mới.
Ngoài hồi phục mạng bay cũ, trong tháng 5 và 6, Vietnam Airlines mở 13 đường bay nội địa mới. Sản lượng khách nội địa tuần đầu tháng 6 tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2019. Không kém cạnh, giữa tháng 6, Vietjet đã đồng loạt khai trương 8 đường bay mới, nâng tổng số đường bay nội địa của hãng lên 53. Đồng thời, ngày 15-6, Vietjet chính thức mở bán vé 5 đường bay nội địa Thái Lan, nâng tổng số đường bay ở Thái Lan của hãng lên 12. Hãng cho biết sẽ tiếp tục tăng tần suất các chuyến bay và mở rộng mạng bay trong thời gian sắp tới.
Ông Trương Phương Thành, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways, cho biết hãng đang nghiên cứu, xây dựng các đường bay ngách mới: Thanh Hóa - Phú Quốc/Quy Nhơn, Hà Nội - Điện Biên/Côn Đảo… Đầu tháng 7, dự kiến 100% mạng bay nội địa của hãng sẽ quay lại hoạt động, khai thác trung bình 150 chuyến bay/ngày. Đặc biệt, với mục tiêu "tiến công" mạnh mẽ vào phân khúc hàng không chi phí thấp, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas (Úc) quyết định tái cơ cấu Jetstar Pacific một cách đồng bộ và mạnh mẽ với việc chuyển đổi thương hiệu (đổi tên thành Pacific Airlines), tái cơ cấu cổ đông (Qantas rút để Vietnam Airlines nắm khoảng 98% cổ phần) và đổi mới hệ thống bán để đồng bộ hóa mạng bay, các thủ tục đặt chỗ và tính năng dành cho khách hàng với Vietnam Airlines.
Đánh giá về thị trường, ông Đầu Khắc Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Kai Group Vietnam, cho rằng để đón nhận những khoảng trống đang mở ra sau dịch Covid-19, trong trường hợp cạnh tranh tăng cao, doanh nghiệp nên thực hiện quy trình tái định vị. Việc tái định vị ở cấp độ sản phẩm có thể là giảm giá bán, thay đổi kênh bán hàng hoặc khuyến mãi, như bán combo. Chiến lược này có thể phát huy khi thu nhập của người tiêu dùng bị sụt giảm. Họ cần mua rẻ hơn hoặc mua được nhiều thứ hơn với cùng ngân sách. Ở cấp độ doanh nghiệp, tái định vị có thể là việc thêm vào hoặc bớt đi các sản phẩm, dịch vụ theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Bao gồm việc đưa ra dịch vụ khách hàng khác biệt hơn. Thay đổi lại hình ảnh thương hiệu cho phù hợp hơn là một lựa chọn tốt trong thời gian này.
Cần nhà nước hỗ trợ
Vietnam Airlines vừa kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của hãng (vốn nhà nước chiếm tới 86%) đề nghị vay ít nhất 4.000 tỉ đồng theo chính sách tái cấp vốn. Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)/doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để bảo đảm 12.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025. Các giải pháp hỗ trợ trên sẽ gặp những vướng mắc về pháp lý, cần thiết phải có các quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt để xử lý phù hợp với tình huống khẩn cấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Người lao động