Doanh nghiệp kêu khó, có phong bì là xong!
Tại diễn đàn khoa học đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016, nhiều đại biểu cho rằng công tác cải cách hành chính (CCHC) chưa đột phá, còn tình trạng công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi dụng địa vị để trục lợi.
- 23-07-2017Giấy phép con: Cắt cái này, lại "mọc" cái khác!
- 12-02-2017Đừng để 10 năm sau lại vật vã cắt bỏ 'giấy phép con'
- 21-11-2016Thận trọng khi thông qua danh mục giấy phép con
Ngày 24-7, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức diễn đàn khoa học "Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân".
Cần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), TS Ngô Hải Phan, đánh giá việc cải cách thủ tục hành chính hiện còn vấn đề do thiếu trách nhiệm, cứ bắt người dân phải chứng minh đủ các loại giấy tờ, chưa kể đến việc công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi dụng địa vị của mình để trục lợi. Vì vậy cần tăng cường dân chủ, xây dựng Chính phủ điện tử. "Thông qua cơ chế một cửa phải tăng cường sự quản lý, phải lấy người dân và doanh nghiệp (DN) làm trung tâm. Nếu chưa làm tốt được việc này thì tiếng kêu của người dân sẽ vẫn còn" - ông Phan nói.
PGS-TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu Tư vấn và Phát triển, cho rằng bộ máy hành chính có rất nhiều vấn đề, thủ tục ngày càng nhiều hơn dẫn đến rối hơn. "Phong bì cũng cứu được rất nhiều việc. Có nhiều việc tưởng rất khó nhưng hóa ra lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong" - ông San nhận định.
Thủ tục hành chính đã được Chính phủ giảm dần theo hướng phục vụ nhưng thực tế vẫn còn gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp Ảnh: TẤN THẠNH
Mổ xẻ thêm, ông San nêu thực tế 15 năm trước, hàng loạt lãnh đạo sở ngành ở TP HCM bỏ cơ quan nhà nước chuyển ra tư nhân làm, bây giờ nhiều người quay lại với nhà nước. Sức ép của thị trường lên bộ máy hành chính không còn nữa mà bộ máy "tự tung tự tác", nhất là quyền chọn người, nên mới có việc Sở Tài chính Hà Nội tuyển 100 suất nhưng có đến 2.000 người chen nhau vào. Do đó, cần có sự tham gia giám sát của xã hội với bộ máy hành chính. "Chúng ta cải cách thủ tục hành chính để cho nhà nước hài lòng, nói nôm na là tự sướng, chứ hỏi người dân, DN có hài lòng hay không, tôi nghĩ không có đâu. DN đang kêu trời, người dân cũng vậy" - ông San bức xúc.
Cải cách hành chính quá chậm
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đánh giá cải cách sẽ động chạm tới toàn bộ quan hệ của nhà nước với dân và DN. Cứ nói đột phá vào CCHC nhưng không biết bao giờ mới phá nổi. CCHC quá chậm so với các lĩnh vực khác như hội nhập kinh tế. Đã đến lúc phải lấy thực tiễn làm trọng tâm. Chứ căn cứ vào văn bản mà văn bản thì nhiều lắm, hàng ngàn văn bản sẽ khiến rơi vào ma trận, tự làm khó, trói buộc nhau. Do đó, nhà nước chỉ cần giữ lại những lĩnh vực chỉ nhà nước có thể làm, còn lại chuyển hết cho người dân và DN, lại cắt giảm được bộ máy. "Chứ như hiện nay, mỗi anh "một mảnh tình riêng" thì sẽ không huy động được cả xã hội để phát triển" - ông Phúc nói.
Ông Thang Văn Phúc cũng chỉ ra một thứ bệnh của Việt Nam hiện nay là tâm lý bao biện, "làm đẹp" báo cáo, như quá nhiều vấn đề bất cập được nêu ra nhưng sau đó, các bộ ngành xử lý đến đâu thì không kiểm soát được, hiệu quả quản lý không đánh giá được.
"Tất cả cùng kêu chậm chạp, kết quả không như mong muốn nhưng rồi lại vui vẻ cùng nhận khuyết điểm tập thể. Chúng ta còn nợ dân, nợ DN nhiều lắm. Không công phá được thành trì trì trệ, lạc hậu, vô trách nhiệm thì rất khó hội nhập" - ông Phúc bức xúc.
TS Nguyễn Đăng Dung nhìn nhận thủ tục hành chính càng đơn giản càng tốt cho xã hội, người dân và DN. "Việc gì không cần thiết nhà nước phải ôm thì xã hội hóa tối đa mới mong tạo ra chuyển biến" - TS Dung đề xuất.
Khó khăn nhưng quyết tâm là làm được
TS Ngô Hải Phan thẳng thắn cho biết các quy định về thủ tục hành chính theo hướng "xin - cho" đã được Chính phủ giảm dần theo hướng phục vụ song trên thực tế, DN, người dân vẫn còn gặp quá nhiều phiền hà. "Hiện tượng nhũng nhiễu vẫn còn mà cán bộ là gốc của mọi vấn đề. Nếu cán bộ chưa xem người dân, DN là đối tượng phục vụ thì sẽ vẫn còn nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính. Cải cách còn vô vàn khó khăn, phức tạp, đụng chạm nhưng nếu quyết tâm thì vẫn làm được" - TS Phan hy vọng.
Người lao động