Doanh nghiệp kêu khó khăn vì thuế xăng dầu giảm
Đưa sản lượng xăng dầu cung ứng ra thị trường của Dung Quất vào công thức tính thuế bình quân gia quyền giúp giảm thuế, hạ giá thành nhưng doanh nghiệp cho rằng "nguồn lực của doanh nghiệp bị giảm từ 65-140 đồng/lít".
- 27-11-2017Giảm thuế xăng dầu, lo đứt nguồn cung!
- 25-08-2017Thuế xăng dầu cao quá!
- 07-07-2017Chặn thất thu thuế xăng dầu
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kiến nghị mức thuế nhập khẩu làm cơ sở tính giá cơ sở xăng dầu.
Theo đó, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch VINPA, cho biết hiệp hội nhận được báo cáo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu về thuế nhập khẩu bình quân gia quyền gây ra "nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu".
Dẫn số liệu cụ thể, ông Ruệ nêu thuế nhập khẩu bình quân gia quyền mặt hàng xăng áp dụng từ 16 giờ ngày 4-1 là 10,56% được điều chỉnh giảm xuống còn 10,21% ngày 5-4, còn 9,31% ngày 5-7 và giảm tiếp còn 8,56% từ ngày 20-10.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu mặt hàng xăng Việt Nam đã ký cam kết quốc tế áp dụng cho năm 2017 với mức thuế suất thấp nhất là 10% đối với các lô hàng nhập khẩu có C/O form KV; 20% đối với thị trường các nước ASEAN.
Với cách ấn định như trên, theo ông Phan Thế Ruệ, kể từ 17 giờ ngày 5-7 đến nay, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền mặt hàng xăng còn thấp hơn cả thuế nhập khẩu có C/O form KV từ 0,69% đến 1,44%.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất một số phương án về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở.
"Điều này dẫn đến nguồn lực của doanh nghiệp bị giảm từ 65-140 đồng/lít" – đại diện khối doanh nghiệp đầu mối xăng dầu kêu khó.
Theo quan điểm của Hiệp hội này, việc tính thuế nhập khẩu bình quân gia quyền trong công thức hiện nay có sự bất cập là vì tính cả lượng mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tỉ trọng hiện nay khoảng trên 47% với mức thuế 0% và đây là cách tính không đúng.
Ngoài ra, cách tính này cũng được cho là quá phức tạp vì thực tế nguồn xăng dầu nhập khẩu có 2 mức thuế suất là 20% và 10%. "Cách tính không minh bạch, dễ tạo ra sự hiểu lầm không cần thiết trong dư luận xã hội và cũng không đúng với Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu" – VINPA nêu quan điểm.
Do vậy, thay mặt VINPA, ông Phan Thế Ruệ đề xuất một số phương án về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Theo đó, phương án 1 là lấy mức thuế nhập khẩu thấp nhất mà Việt Nam đã cam kết để tính giá cơ sở. Cụ thể, thuế thấp nhất là 10% đối với xăng và 0% đối với dầu diesel nhập từ Hàn Quốc. Kiến nghị Chính phủ cho phép mức điều tiết lên 10% đối với 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn. Phần chênh lệch theo cơ chế, nhà nước sẽ thu để đảm bảo cân đối ngân sách.
Phương án 2, nếu vẫn tính gộp cả thuế của lọc dầu Dung Quất vào công thức thuế bình quân gia quyền như hiện nay thì cần áp dụng việc điều tiết đối với xăng dầu sản xuất trong nước tương đương với mức thuế nhập khẩu thấp nhất (khoảng 10%).
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng đề xuất rà soát điều chỉnh lại "chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam" vì mức đang áp dụng tính giá cơ sở hiện nay sau 3 năm chưa được điều chỉnh đã thoát ly do với thực tiễn.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, lần đầu tiên, trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 20-10 vừa qua, thuế bình quân gia quyền với xăng chỉ còn 8,56%, dầu diesel thấp kỷ lục - còn 2,15%. Trong khi đó, thị trường có thuế nhập khẩu thấp nhất hiện nay là Hàn Quốc ở mức 10%. Nguyên nhân là do khi tính thuế, cơ quan điều hành giá đã gộp cả sản lượng xăng dầu với mức thuế điều tiết rất thấp của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Cách tính thuế như trên giúp 2 đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất là người tiêu dùng và Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, các đầu mối xăng dầu lại cho rằng cách tính chưa hợp lý, gây khó khăn cho họ.
Người lao động