Doanh nghiệp 'khát' vốn, tiền lại ứ đọng ở ngân hàng
Chưa bao giờ doanh nghiệp Việt khát vốn như hiện tại. Trong khi đó, dòng tiền đang dồn ứ ở ngân hàng. Cách nào để khơi thông dòng tiền từ ngân hàng “chảy” vào doanh nghiệp?
- 12-06-2020Tiền đã sẵn, chờ doanh nghiệp đến vay
- 10-06-2020Các ngân hàng thừa tiền, lãi suất liên ngân hàng xuống thấp kỷ lục nhưng nhu cầu vay mượn giảm
- 09-06-2020Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Một phần tiền gửi có thể đã vào thị trường chứng khoán
Tại tọa đàm nối lại cung cầu vốn - tiếp sức phục hồi kinh tế ngày 12/6, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) cho biết, dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường.Trước khó khăn trên, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tìm giải pháp giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp.
“Một trong những điều kiện đầu tiên để được vay vốn là doanh nghiệp phải có khả năng trả nợ. Đây cũng là điểm khúc mắc cần giải quyết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và ngân hàng”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Tường (Tập đoàn Đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành) cho biết, doanh nghiệp đang quản lý 22 nhà máy nước sạch trên khắp cả nước. Các DN này thuộc nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và thuộc nhóm doanh nghiệp được ưu tiên nhưng khó vay vốn ngân hàng.
“Vốn điều lệ của chúng tôi 120 tỷ đồng trong khi lại đầu tư tới hơn 20 nhà máy nước nên nhu cầu vay vốn lớn. Để vay vốn, ngân hàng đòi doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, không chấp nhận tài sản thế chấp của cán bộ nhân viên. Ngân hàng cũng không chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp, càng khiến cho cửa vay vốn của DN thu hẹp”, ông Tường cho biết.
Ông Tường cho biết, tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp của ông Tường chưa từng có nợ xấu, nợ quá hạn tại các ngân hàng. Mỗi tháng, DN có khoảng 2 tỷ đồng chảy vào tài khoản tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Long Biên. Tuy nhiên, 10 năm nay chúng tôi vẫn chưa vay được đồng vốn nào tại đây.
Ông Hoàng Ngọc Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phúc Thọ (Hà Nội) kiến nghị, ngân hàng kéo dài thời gian vay vốn cho DN nhỏ và hộ gia đình. Ông Linh cho rằng, thời gian cho vay 6 tháng với DN nhỏ là quá ngắn. Vì vậy, ông Linh đề xuất, chính sách vay vốn cho DN nhỏ và vừa kéo dài 12 - 15 tháng.
Theo TS Võ Trí Thành, ở Việt Nam, tình hình tài chính do hệ thống ngân hàng chi phối. Vậy nên doanh nghiệp cần ngân hàng và ngân hàng cần doanh nghiệp. Dịch COVID-19 khiến chuỗi cung ứng khó khăn, thu nhập thế giới suy giảm, cơ hội làm ăn không còn nhiều như bình thường. Về phía ngân hàng, tiền có thể có nhưng lo nợ xấu.
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), thanh khoản hệ thống ngân hàng khá tốt, vấn đề của doanh nghiệp là thiếu thị trường, cầu thấp quá. Bên cạnh đó, hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp Việt Nam có độ tin cậy thấp nên khó thuyết phục ngân hàng cho vay.
“Lãi suất liên ngân hàng hồi tháng 3 quanh ngưỡng 3,8%, đến hiện nay chỉ hơn 1%. Từ đầu năm đến nay đã có trên 100 nghìn tỷ đồng được đưa ra thị trường qua tín phiếu. Điều này chứng tỏ thanh khoản rất dồi dào. Bản thân các ngân hàng cũng muốn cho vay, nhưng họ phải cân nhắc việc thu lại được tiền”, ông Tú Anh cho biết.
Tiền phong