MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp kinh doanh gas: “Trước khi Nghị định 19 ban hành, có 43 người cùng ngồi với tôi. Giờ chỉ gần 30”

Quy định mới về kinh doanh khí đang được soạn thảo dù Nghị định 19 hiện hành chưa tròn 1 tuổi. Trước đó, Nghị định 107, cũng chỉ tồn tại được 4 năm. 3 lần sửa đổi chính sách đang khiến nhiều doanh nghiệp kêu cứu.

Một doanh nhân tham dự hội thảo, đại diện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ cùng hoạt động trong lĩnh lực kinh doanh khí đã thẳng thắn chỉ trích tác động của Nghị định 19 hiện tại. “Hôm nay tôi đến cùng với nhiều doanh nghiệp nhỏ khác. Trước khi Nghị định 19 ban hành, có 43 người cùng ngồi với tôi. Giờ chỉ gần 30. Nếu chờ thêm 1 năm nữa chắc còn lại vài người” – ông này nói.

Doanh nhân này cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phá sản sau khi Nghị định 19 về kinh doanh khí được ban hành. Theo Nghị định 19, các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, cùng với bồn chứa 300m3. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản. Nếu chỉ tính riêng vỏ bình, mỗi doanh nghiệp sẽ cần ít nhất 25 tỷ để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chi trả tiền thuê kho chứa.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn đánh đố doanh nghiệp với cách làm chính sách theo kiểu con gà và quả trứng. Muốn có được giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai thì cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối LPG. Tuy nhiên, điều kiện để làm thương nhân phân phối LPG lại yêu cầu có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp LPG vào chai.

Nghị định mới sẽ là kết quả của sự hiểu nhau

Thực tế, ngay khi nhận được phản hổi từ doanh nghiệp về Nghị định 19, Bộ Công Thương đã có cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khi đó đã “hứa” sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 19 theo hướng bãi bỏ các quy định về số lượng bình chứa, quy mô kho bãi. Thứ trưởng Khánh cũng khẳng định tinh thần Nghị định 19 chỉ nhằm thiết lập trật tự trên thị trường và không có ý định hạn chế kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiếp nối tinh thần ấy, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương, đã gửi tới các doanh nghiệp trong ngành bản dự thảo 2 về sửa đổi Nghị định 19. Ông Tân cho biết, dự thảo được tạo lập dựa trên sự thấu hiểu lẫn nhau giữa nhà quản lý và doanh nghiệp.

“Dự thảo này đã tạo được sự đồng thuận tương đối cao. Vấn đề ở đây là làm rõ, để quá trình thực thi được thuận lợi hơn, minh bạch và rõ ràng hơn. Và nhà quản lý cùng doanh nghiệp hiểu nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới” – ông Tân khẳng định.

Trên quan điểm tôn trọng thị trường tự do, Bộ Công Thương luôn mong muốn cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp và hạn chế rủi ro với thị trường. Bởi kinh doanh khí là ngành nghề nguy hiểm. Các sự cố trong quá khứ xảy ra cũng do việc doanh nghiệp chiết gas lậu, gây mất an toàn.

Đề cập đến nội dung trong dự thảo nghị định mới, ông Tân cho biết hệ thống phân định các doanh nghiệp đã có đôi chút thay đổi. Không còn quy định thương nhân tổng đại lý, đại lý, đầu mối. Dự thảo được biên soạn theo hướng trao quyền tiếp nhận hệ thống cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể lập hệ thống theo quy định của Luật thương mại. Quy mô đầu tư lớn hay nhỏ là quyền tự do của doanh nghiệp, nghị định mới sẽ không yêu cầu về điều kiện kinh daonh như trước.

Tái khẳng định thiện chí của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhắn nhủ: “Nếu còn vấn đề gì, hãy gửi thông tin đến Bộ Công Thương. Văn bản, email hoặc trao đổi trực tiếp để cùng xây dựng Nghị định mới thực sự phù hợp”.

Cảm nhận rằng Chính phủ đang “khởi nghiệp cùng doanh nhân”, Giám đốc Hà Thanh Tùng cho biết Bộ Công Thương đã thực sự lắng nghe tiếng nói của mình. Dù vậy, nếu có gặp lại đại diện Bộ, ông giám đốc vẫn mong không gian chung quanh sẽ không trở nên vắng vẻ hơn.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên