MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lãi lớn nhưng giá cổ phiếu tăng chậm hơn so với các doanh nghiệp thua lỗ: Nên đầu tư như thế nào vào thời điểm này?

Doanh nghiệp lãi lớn nhưng giá cổ phiếu tăng chậm hơn so với các doanh nghiệp thua lỗ: Nên đầu tư như thế nào vào thời điểm này?

Chữ K có hai nét vẽ, một nét đi lên một nét đi xuống, theo các chuyên gia phục hồi chữ K có nghĩa là một số những quốc gia, những ngành nghề thích nghi nhanh hơn, vận dụng nhanh hơn quá trình phục hồi thì họ sẽ có sự phục hồi nhanh hơn so với mặt bằng chung. Và có những ngành ngay cả khi kinh tế chung phục hồi rồi thì vẫn ở trong tình trạng rất khó khăn.


Thời điểm này đã có khoảng 30% doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Bên cạnh những doanh nghiệp báo lỗ, thì vẫn có nhiều doanh nghiệp báo lãi hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. 

Trả lời trong Talkshow Phố Tài chính trên VTV8, nhiều chuyên gia đánh giá, bước vào giai đoạn bình thường mới, mô hình phục hồi kinh tế hình chữ K ngày càng hiện rõ, những doanh nghiệp được hưởng lợi hoặc vẫn kinh doanh tốt lúc dịch bệnh, được dự báo sẽ vẫn tiếp tục tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới. Ngược lại, những doanh nghiệp đang khó khăn, sẽ còn phải mất một thời gian mới có thể phục hồi. 

BTV Mùi Khánh Ly: Các ông đánh giá như thế nào về bức tranh lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC): Theo tổng hợp mới nhất của BSC thì đã có khoảng 30% các doanh nghiệp trên sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý 3, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp này suy giảm khoảng 9,2% so với quý trước, nhưng lại tăng khoảng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trên phương diện của ngành, có những ngành tăng trưởng vượt trội so với thị trường như chứng khoán, bảo hiểm, thép, hóa chất và công nghệ thông tin. Nhiều ngành chưa công bố kết quả kinh doanh quý 3 nhưng dự báo chịu nhiều ảnh hưởng là ngành du lịch, hàng không…

Kết quả này cũng khá sát so với dự báo của chúng tôi đưa ra trong thời gian gần đây.

Ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Bức tranh lợi nhuận tổng thể quý 3 của doanh nghiệp Việt Nam cơ bản là không tích cực từ đợt dịch Covid 19 lần thứ 4, tuy nhiên không vì thế mà không có những ngành được gọi là điểm sáng, ghi nhận những mức lợi nhuận cao lịch sử. Thứ nhất là ngành chứng khoán, thứ hai là ngành vật liệu xây dựng, tiếp nữa là ngành hóa chất cũng như là ngành phân bón và cuối cùng đó chính là ngành công nghệ. 

Tuy nhiên, phần lớn các ngành còn lại như du lịch, hàng không, bán lẻ bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Ngành ngân hàng cũng là ngành bị ảnh hưởng, mức tăng thấp hơn kỳ vọng. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá rằng, nhiều ngân hàng đã chống chịu tương đối tốt khi vẫn tăng trưởng dương, tôi tin là các doanh nghiệp như vậy sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn, có sự đánh giá đúng hơn từ phía thị trường trong quý 4 cũng như là nửa đầu 2022.

BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình phục hồi chữ K ngày càng hiện rõ trong bức tranh kinh tế giai đoạn bình thường mới, theo hai ông thì sao?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC): Năm ngoái, rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đề cập đến sự phục hồi kinh tế thế giới sẽ diễn ra theo mô hình như thế nào. Lúc đấy, nhiều người hay nói về mô hình chữ V là sự sụt giảm nhanh và phục hồi rất mạnh, mô hình chữ U thì phục hồi tốn nhiều thời gian và chậm hơn. Và càng về gần đây, thì càng nhiều các chuyên gia kinh tế thiên về mô hình chữ K hơn, chữ K nghĩa là gì, chữ K có hai nét vẽ, một nét đi lên một nét đi xuống, theo các chuyên gia có nghĩa là một số những quốc gia, những ngành nghề thích nghi nhanh hơn, vận dụng nhanh hơn quá trình phục hồi thì họ cũng sẽ có sự phục hồi nhanh hơn so với mặt bằng chung. Và có những ngành ngay cả khi kinh tế chung phục hồi rồi thì vẫn đang ở trong tình trạng rất khó khăn. 

Thế thì trên phương diện quốc gia mà nói, trong suốt hơn năm rưỡi đến hai năm vừa qua, có những quốc gia chịu ảnh hưởng rất mạnh của dịch bệnh Covid, chẳng hạn như Trung Quốc, Châu Âu hay là Hoa Kỳ thì những quốc gia này đã phục hồi kinh tế nhanh hơn phần còn lại của thế giới. Trong khi những quốc gia mà chịu ảnh hưởng của đợt sóng tiếp theo chẳng hạn như các quốc gia ở Châu Á như Indonesia, Ấn Độ, Philippine và Việt Nam thì mức độ phục hồi kinh tế đang chậm hơn những quốc gia kia.

Ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Theo tôi, mô hình chữ K là mô hình trong trung và dài hạn, phản ánh sự phân kỳ về sức khỏe tài chính cũng như thị phần, vị thế của các công ty trong ngành hưởng lợi cũng như những công ty bị ảnh hưởng xấu trên thị trường. 

Sự phân kỳ ở đây là khi trở lại bình thường mới, có những công ty không bị ảnh hưởng thậm chí có lợi nhuận cao kỷ lục, họ có thêm sức mạnh tài chính để đầu tư sâu hơn vào chuỗi cung ứng của riêng họ. Thậm chí, các công ty này mở ra đa ngành để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác vốn đang gặp khó khăn, họ sẽ đại diện cho chữ K đi lên. 

Dấu K đi xuống là phần lớn các ngành còn lại bị ảnh hưởng. Chúng tôi thấy rằng, các doanh nghiệp đó nếu như không có những biện pháp phục hồi nhanh, hiệu quả thì họ sẽ bị mất thị phần khá nhanh, sức khỏe tài chính đi xuống, thậm chí là bị các doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh địa bàn tiêu thụ trong nước, chưa kể các doanh nghiệp mạnh hưởng lợi sẽ đầu tư chéo sang ngành của họ.  

Ví dụ như ngành năng lượng dầu khí là một ngành có thể được hưởng lợi từ quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới, khi sự thiếu năng lượng từ than, khí, dầu đang xảy ra cục bộ ở rất nhiều nước, sẽ đẩy giá khí và giá dầu lên cao. Ngành thứ hai là ngành ngân hàng, khi rất nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng đã bị bán và chiết khấu rất nhiều trong quý 3 vừa rồi và khiến cho ngành này có mức định giá giá hấp dẫn hơn rất nhiều. Trong khi đó khá nhiều ngân hàng trong quý 3 vẫn tăng trưởng lợi nhuận dương, sức khỏe tài chính cũng như là tỷ lệ bao nợ xấu ở mức an toàn. Tôi nghĩ rằng là ngành này có thể phục hồi ngắn hạn rất nhanh trong quý 4.

Ngành thứ ba theo tôi cũng rất đáng quan tâm đó chính là ngành chứng khoán, ngành này mới chỉ ở mức ban đầu của một chu kỳ tăng trưởng trung và dài hạn tương đối lớn khi tỷ lệ người dân Việt Nam đầu tư chứng khoán vẫn ở mức thấp so với các nước khác trong khu vực. Cuối đó chính là ngành bán lẻ, ngành liên quan đến đầu tư công sẽ phục hồi nhanh.

BTV Mùi Khánh Ly: Trên thị trường chứng khoán, hiện nay những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, thậm chí doanh thu nghìn tỷ, nhưng giá cổ phiếu vẫn không tăng trưởng mạnh bằng những nhóm cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kém hơn hoặc thua lỗ? Theo các ông là vì sao?

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC): Gần đây có một số nhóm ngành có KQKD tốt hơn mặt bằng chung như ngân hàng, thép, hoá chất, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin nhưng giá cổ phiếu của những doanh nghiệp đó lại không tăng trưởng bằng những cổ phiếu nhỏ, thậm chí có kết quả kinh doanh kém hoặc thua lỗ.

Theo tôi có 3 lý do chính. Thứ nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp lớn, những ngành đang có lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn so với thị trường, thì từ năm 2020 cho đến nay, cổ phiếu đã có mức tăng giá vượt trội hơn so với thị trường chung. Thứ hai, nhà đầu tư đang có sự lan tỏa về dòng tiền và tìm kiếm cơ hội mới, những ngành chưa có sự phục hồi nhưng được kỳ vọng là sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý các nhà đầu tư rằng, cuối cùng thị trường cũng sẽ quay lại phản ánh những yếu tố cơ bản của các doanh nghiệp, phản ánh nền kinh tế, do vậy nên cần thận trọng với những cổ phiếu quy mô vừa và nhỏ.

Ông Lê Anh Minh, CFA, Phó Giám đốc Đầu tư CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS):

Theo tôi, các cổ phiếu vốn hóa lớn như nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng đã có một đà tăng rất dài từ đợt đáy năm 2020, họ đã ghi nhận mức tăng trưởng tốt khiến cho một lượng tiền cực kỳ lớn đã đổ vào những cổ phiếu đó trong thời gian dài, đưa mức định giá lên tương đối hợp lý, thậm chí là hơi đắt, cho nên khi dịch lần thứ 4 xuất hiện, các doanh nghiệp đó phải điều chỉnh lại kỳ vọng tăng trưởng, và giá cổ phiếu cũng từ đó mà điều chỉnh theo. 

Ngoài ra những ngành vốn hóa lớn thì quá trình tạo đáy và tích lũy lại sẽ mất thời gian. Còn đối với các cổ phiếu vừa và nhỏ thời gian vừa qua tăng, tuy nhiên các cổ phiếu vừa và nhỏ không phải cổ phiếu nào tăng trưởng cũng dựa trên sự cải thiện cơ bản của doanh nghiệp, có rất nhiều cổ phiếu mang yếu tố đầu cơ. Cổ phiếu tăng nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lại chưa tương xứng với đà tăng của cổ phiếu đó. Ở thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nên chọn những ngành thực sự được hỗ trợ từ những chính sách để hồi phục kinh tế sau dịch Covid 19 cũng như những ngành đã tăng trưởng tốt trước đó, thì theo tôi đó chính là một chiến lược rất tốt trong thời điểm hiện tại.

Xin cảm ơn hai ông về những chia sẻ vừa rồi.

PV (ghi)

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên