MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ

Hoàng Anh Gia Lai, Hùng Vương là các doanh nghiệp lớn một thời nhưng đang loay hoay tái cơ cấu, sau quá trình dùng đòn bẩy tài chính để mở rộng quy mô.

Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức và ông Dương Ngọc Minh đang bán dần các công ty con để cơ cấu lại tài sản doanh nghiệp và trả nợ ngân hàng.

Bước đi nhầm của Hùng Vương

CTCP Hùng Vương (HoSE: HVG) của Chủ tịch Dương Ngọc Minh, từng được mệnh danh là "vua cá", vừa công bố bán toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Hùng Vương Bến Tre và bán một phần vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (HoSE: AGF) giảm sở hữu từ 79,6% xuống dưới 50%.

Quyết định được đưa ra 1 tháng sau khi doanh nghiệp thông báo thoái 51% vốn tại CTCP Hùng Vương Sông Đốc. Cuối năm 2017, Hùng Vương cũng bán cổ phần và giải thể Địa ốc An Lạc – có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Hùng Vương nắm 76% cổ phần, thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000 m2 thuộc sở hữu của đơn vị trên với mục đích thu hồi vốn tập trung vào hoạt động cốt lõi là cá tra.

Nửa đầu niên độ 2019 (1/10/2018-30/9/2019), Hùng Vương ghi nhận lỗ 112 tỷ đồng trong báo cáo tài chính hợp nhất soát xét do chi phí “ăn mòn” hết lợi nhuận. Dù giảm 42% so với cùng kỳ năm trước, chi phí lãi vay của Hùng Vương tiếp tục ở mức cao với hơn 129 tỷ đồng, tương đương 41% lợi nhuận gộp, chỉ xếp sau chi phí doanh nghiệp.

KQKD của Hùng Vương (Đvt: tỷ đồng)

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ - Ảnh 1.

Năm 2018, chi phí lãi vay của Hùng Vương xấp xỉ lợi nhuận gộp, công ty có lãi hơn 1,5 tỷ đồng nhờ doanh thu từ thanh lý các công ty con.

Tình trạng hiện tại là hệ luỵ quá trình vay nợ để mở rộng “nóng” của Hùng Vương trong giai đoạn 2013-2016. Từ năm 2011, xuất khẩu cá tra của Việt Nam duy trì quanh mức 1,8 tỷ USD mỗi năm tới hơn 140 nước. Sức hấp dẫn của thị trường tỷ USD khiến ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT và các lãnh đạo Hùng Vương đứng trước cơ hội lớn. Tập đoàn lựa chọn chiến lược M&A với các đơn vị cùng lĩnh vực bằng nguồn vốn vay với hy vọng hình thành chuỗi giá trị trong ngành.

Năm 2013, nợ vay của Hùng Vương tăng gấp rưỡi lên gần 4.399 tỷ đồng và tiếp tục nâng lên gần 8.400 tỷ đồng vào 2015, đỉnh điểm với 8.700 tỷ đồng cuối 2018. Chi phí lãi vay cũng tăng theo. Trong khi đó, tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh không theo kịp được tốc độ của chi phí vốn khiến lợi nhuận của Hùng Vương giảm dần.

Các chỉ tiêu liên quan đến nợ vay của Hùng Vương (Đvt: tỷ đồng)

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ - Ảnh 2.

Năm 2016, công ty lần đầu tiên lỗ ròng 49 tỷ đồng. Niên độ sau đó, con số này lên tới 713 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm chi phí lãi vay của Hùng Vương đạt đỉnh với 507 tỷ đồng, tương đương 50% lãi gộp.

Trong 2 năm gần đây, với động thái tái cơ cấu, thoái vốn tại các đơn vị thành viên, công ty đang giảm dần nợ vay từ xuống 3.260 tỷ đồng vào năm 2018 và còn hơn 3.087 tỷ đồng vào cuối tháng 3.

“Bầu” Đức và duyên nợ với cao su

Gần tương tự với Hùng Vương, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) cũng đang trong quá trình tái cơ cấu sau thời kỳ “vay nóng” để đầu tư.

Mới đây, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG), công ty con của HAGL vừa thông báo bán toàn bộ 100% vốn tại CTCP Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương, cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi (Thadi). Thông tin chi tiết về giá trị chuyển nhượng chưa được tiết lộ.

Cao su từng là lĩnh vực Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức đặt trọng tâm giai đoạn 2008, khi giá bán có thời điểm đạt 5.000 USD/tấn. Bầu Đức chia sẻ thông điệp trong báo cáo thường niên thời điểm đó kiên định với mục tiêu phát triển doanh nghiệp với mũi nhọn cao su. Tập đoàn này triển khai trồng loại cây này trên toàn bộ 51.000 ha tại Lào, Campuchia, Tây Nguyên.

Từ 6.334 tỷ đồng tài sản khi chào sàn năm 2007, đến 2012 con số này của HAGL lên tới 31.284 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả cũng tăng từ hơn 2.700 tỷ đồng lên gần 20.500 tỷ đồng với 80% là vay ngân hàng.

Diễn biến giá cao su

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ - Ảnh 3.

Đây cũng là thời điểm hệ quả của quá trình phát triển nóng bộc lộ. Lợi nhuận sau thuế của HAGL giảm 70% xuống 350 tỷ đồng năm 2012, trong bối cảnh giá cao su đang trên đà rơi mạnh.

Cùng năm này, HAGL có kế hoạch thu hút vốn từ thị trường nước ngoài. S&P phân tích và đưa ra đánh giá xếp hạng tín nhiệm ở mức “B-“ với triển vọng “tiêu cực” đối với doanh nghiệp, trong khi Fitch cũng đưa ra xếp hạng “B”. Hai đơn vị xếp hạng này sau đó đã rút lại toàn bộ đánh giá theo yêu cầu của HAGL và tuyên bố sẽ không tiến hành xếp hạng tín nhiệm hoặc thực hiện các báo cáo về doanh nghiệp.

KQKD của Hoàng Anh Gia Lai (Đvt: tỷ đồng)

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ - Ảnh 4.

Cho đến năm 2017, quy mô nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai vẫn tiếp tục tăng và chỉ bắt đầu hạ nhiệt vào 2018. Trong khi đó, công ty báo lỗ ròng 1.136 tỷ đồng vào 2016, khi giá cao su rơi về đáy và chỉ lãi nhỏ giọt trong 2 năm sau.

Trước thực tế không như kế hoạch, “bầu” Đức cố gắng tìm đến những hướng đi khác bao gồm cả chăn nuôi bò và trồng cây ăn quả (thanh long, chanh dây, ớt, chuối...) nhưng chưa thấy kết quả rõ ràng, ngoài khoản nợ chục nghìn tỷ đồng.

Diễn biến một số chỉ tiêu tài chính của HAGL (Đvt: tỷ đồng)

Doanh nghiệp lớn sa cơ vì nợ - Ảnh 5.

Tới cuối tháng 3, công ty có 32.277 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó vay nợ ngân hàng hơn 21.000 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong quý I hơn 360 tỷ đồng, gần tương đương doanh thu thuần 410 tỷ đồng của doanh nghiệp. Công ty có lãi 36 tỷ đồng chủ yếu nhờ hoạt động thanh lý tài sản.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

Trở lên trên