Doanh nghiệp nêu lý do chưa mua lúa của dân
Theo đại diện một doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lúa gạo, giá cước vận tải đã tăng rất cao, đặc biệt ở châu Phi. Tàu hàng vào cảng cả tháng nhưng không thể đưa hàng lên được, khiến việc giải phóng gạo trong kho của DN rất khó khăn. Khi chưa xuất hàng đi được thì DN cũng không thu mua lúa gạo được cho dân…
- 08-08-2021Nông dân gặp khó vì giá lúa giảm, giá phân bón nhảy vọt
- 07-08-2021Vinafood 1 và Vinafood 2 vì sao không “ra tay” thu mua lúa Hè Thu?
- 03-08-2021Giá lúa giảm mạnh giữa mùa thu hoạch, đề xuất Chính phủ mua tạm trữ hỗ trợ nông dân
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, DN của ông ký hợp đồng giao hàng trong tháng 7 và tháng 8/2021 là 100.000 tấn gạo nhưng tháng 7 vừa qua mới xuất được 30.000/50.000 tấn, tức có khoảng 40% không xuất đi được do vướng mắc về tàu vận chuyển.
Trong tháng 8, khả năng đơn vị này giao hàng cũng không đạt 50%. DN không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng. Theo ông Nam, cước vận tải đã tăng rất cao, đặc biệt là vận chuyển đi khu vực châu Phi. Tàu hàng vào cảng cả tháng, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của DN rất khó khăn.
“Bây giờ hàng của DN tồn kho quá lớn. Chúng tôi đang có 100.000 tấn, thì tiếp tục mua làm sao được. Muốn mua vào thì phải đẩy được lượng hàng tồn kho mới thực hiện được”, ông Nam nói.
Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), không riêng gì Intimex mà hầu hết các DN trong ngành đều giao hàng không được, khó khăn của ngành lương thực là còn tồn kho nhiều. “Riêng công ty của tôi ngày 15/8 tới sẽ xếp 11.000 tấn gạo lên tàu, nhưng tại TP Cần Thơ đến 16/8 mới hết đợt giãn cách xã hội, do đó việc DN giao được hàng hay không vẫn chưa chắc chắn, nếu không giao được lại dồn qua tháng 9”, ông Bình cho biết.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ có chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế, dựa trên tinh thần các tỉnh, thành và DN báo cáo về Bộ NN&PTNT.
Đồng thời, Chính phủ nên có phương án để: Xử lý các lô hàng tại những cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu; Có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Ông Tuấn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để DN, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn này. Từ đó, họ sẽ duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu trong thời gian tới…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành hàng lúa gạo đang gặp khó khăn, đồng nghĩa với hàng chục triệu hộ nông dân đang gặp khó, hỗ trợ DN cũng chính là hỗ trợ nông dân trong thời điểm hiện nay.
Tiền phong