Doanh nghiệp ngành gỗ “ăn đong” từng đơn hàng
Doanh nghiệp ngành gỗ đang trong tình trạng "ăn đong" từng đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng, phải cắt giảm lao động.
- 23-04-2023Ngành gỗ thúc đẩy xúc tiến thương mại để tháo gỡ khó khăn
- 06-12-2022Ngành gỗ “khóc ròng” vì chậm hoàn thuế VAT cả nghìn tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp trước ''bờ vực'' phá sản, Bộ NN&PTNT nói gì?
- 17-08-2022Ngành gỗ lên tiếng về cáo buộc lẩn tránh thuế
Doanh nghiệp ngành gỗ “ăn đong” từng đơn hàng - VTV.VN
Đơn hàng của ngành gỗ sụt giảm mạnh
Theo các doanh nghiệp ngành gỗ, thời điểm này những năm trước, doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ, chuẩn bị nguyên liệu cho tháng 5, tháng 6 để đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu nhưng hiện vẫn chưa có đơn hàng.
Thực tế 3 tháng đầu năm 2023 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nước ta chỉ đạt 2,8 tỉ USD, giảm 30% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, EU giảm mạnh. Thời điểm này dù đã sang quý II, doanh nghiệp vẫn chật vật tìm đơn hàng, doanh nghiệp nào có đơn hàng cũng chủ yếu là đơn hàng nhỏ .
Là địa phương có nhiều doanh nghiệp đồ gỗ lớn cả nước, từ đầu năm tới nay đơn hàng của hầu hết doanh nghiệp cho sản xuất trong thời điểm này chỉ đạt khoảng 35 - 40%. Doanh nghiệp đang trong tình trạng "ăn đong" từng đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thậm chí không có đơn hàng, phải cắt giảm lao động.
Đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sụt giảm trầm trọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
Từ cuối năm ngoái, đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sụt giảm trầm trọng. Nguyên nhân là do xung đột địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sản xuất kinh doanh như: Chi phí logistic tăng cao, giá nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào tăng cao…
Hiện giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong 3 tháng đầu năm nay giảm gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tức là mới đạt kim ngạch 2,8 tỷ USD.
Doanh nghiệp cũng loay hoay tìm đơn hàng, tìm kiếm khách hàng, xoay xở mọi cách để tồn tại, duy trì lực lượng lao động. Tại thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy.
Những doanh nghiệp có đơn hàng chủ yếu là những đơn hàng nhỏ và mới chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng 100 triệu dân trong nước, các doanh nghiệp phải tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài. Đây cũng là những gợi ý của Thủ tướng Chính phủ đến Hiệp hội Gỗ và Lâm sản trong cuộc làm việc mới đây nhằm tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu lâm sản, thủy sản.
Tìm giải pháp để tự cứu mình cũng là điều mà các doanh nghiệp đang áp dụng.
Xuất khẩu sản phẩm phụ ngành gỗ tăng mạnh
Với những khó khăn còn hiện hữu, các chuyên gia ngành gỗ nhận định, dự kiến năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khả năng chỉ đạt tương đương năm 2022, khoảng 15,8 tỷ USD, tức thấp hơn mục tiêu 17,5 tỷ USD ban đầu ngành đặt ra.
Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn có những điểm sáng để có quyền hi vọng. Con số trên sẽ được thay đổi, đến từ các sản phẩm phụ của ngành gỗ như dăm gỗ và viên nén gỗ. Nếu như trong quý I, xuất khẩu toàn ngành gỗ giảm 28% thì các sản phẩm dăm gỗ và viên nén gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, nhu cầu về đồ nội thất tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ đạt gần 600 triệu USD, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm đến quen thuộc của mặt hàng này vẫn là Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2022, mặt hàng dăm gỗ xuất khẩu đã đạt giá trị đến gần 2,8 tỷ USD, tăng 60% so với năm 2021.
Hiệp hội gỗ và lâm sản cho biết thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Trong nửa cuối năm 2023, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tích cực hơn khi các nền kinh tế được cải thiện, nhu cầu về đồ nội thất tăng.
VTV