MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp, người lao động "đuối" sau Covid-19: Công nhân mất việc gia tăng

Sau 2 giai đoạn dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không đủ sức cầm cự buộc phải giải thể, đóng cửa nhà máy khiến công nhân mất việc hàng loạt.

Tại TP HCM, từ nhiều tháng nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp (DN) ngưng trệ sản xuất, buộc phải cắt giảm lao động. Số lượng người lao động mất việc ngày một đông…

Danh sách ngày một dài

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, dự báo tới cuối tháng 9, tại TP có khoảng 120.000 lao động của khoảng 4.000 DN trên địa bàn tiếp tục bị cắt giảm việc làm, tập trung chủ yếu ở các ngành du lịch, vận tải, công nghiệp và xây dựng, dệt may, da giày… Trước đó, trong tháng 6 và 7 đã có khoảng 54.000 lao động của gần 2.000 DN bị cắt giảm việc làm; từ tháng 3 đến tháng 5, con số này khoảng 327.000 người.

Doanh nghiệp, người lao động đuối sau Covid-19: Công nhân mất việc gia tăng - Ảnh 1.

Công nhân Công ty TNHH Yesum Vina lo lắng khi nhận thông báo cho thôi việc . Ảnh: CAO HƯỜNG


Tại KCX Tân Thuận (quận 7), Công ty TNHH Pungkook Việt Nam (vốn Hàn Quốc, chuyên may vali, túi xách) giải thể vì khó khăn, khiến 946 công nhân (CN) mất việc, đa số là CN nữ lớn tuổi. Công ty TNHH Huish Outdoors Việt Nam (100% vốn của Mỹ, chuyên sản xuất các thiết bị thể thao) cho nghỉ toàn bộ CN. Công ty TNHH Exxelia (chuyên sản xuất và phân phối linh kiện cuộn dây và chế biến công nghệ cao) cắt giảm 55 lao động.

Tại KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức), do bị cắt giảm việc làm, hơn 600 CN Công ty TNHH Yesum Vina (100% vốn Hàn Quốc) tứ tán khắp nơi. Người ôm hồ sơ đi xin việc làm mới, người thì về quê, có người chuyển qua kinh doanh online nhưng nhiều người khó xin được việc vì lớn tuổi.

Giữa tháng 6-2020, hơn 1.000 CN làm việc tại xưởng NB 1 của Công ty TNHH Nobland Việt Nam (KCN Tân Thới Hiệp, quận 12) nhận thông báo nghỉ việc hưởng lương tối thiểu vùng (4,42 triệu đồng/tháng) vì công ty gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Sau đó ban giám đốc công ty làm việc với số CN làm việc lâu năm, đề nghị viết đơn xin thôi việc, với mức hỗ trợ 1 tháng lương đối với các trường hợp làm việc từ 7-10 năm, 2 tháng lương đối với trường hợp làm việc từ 10-15 năm và 3 tháng lương đối với người làm việc từ 15 năm trở lên.

Vì không còn cách nào khác, khoảng 800 CN viết đơn xin thôi việc. Thế nhưng, sau đợt cắt giảm này, do chưa thể phục hồi sản xuất, công ty tiếp tục cắt giảm gần 500 CN ở các xưởng F2A, F2B và F3.

Đến nay, hầu hết CN trong tổng số 2.222 CN của Công ty CP Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) bị cắt giảm việc làm từ tháng 6 vẫn chật vật tìm kiếm việc làm. Cùng thời điểm DN này cắt giảm lao động, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) cũng chấm dứt hợp đồng lao động với 2.786 CN.

Khó cho CN lớn tuổi

Nhiều CN cho biết rất khó tìm kiếm việc làm vì ở thời điểm này, DN nào cũng rơi vào tình cảnh khó khăn.

Chị Lê Thị Diên (46 tuổi, quê Quảng Bình, tạm trú quận Thủ Đức) nhờ người thân chở đi xin việc nhiều nơi nhưng gần một tháng qua vẫn chưa tìm được việc làm. Để có tiền chi tiêu sinh hoạt, thuê nhà trọ, chị Diên xin làm công việc phụ rửa chén cho một quán phở. "Vào TP HCM hơn 20 năm, làm CN may cho nhiều công ty, chưa bao giờ tôi nghĩ mình khốn đốn như vậy. Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ. DN không thể cầm cự, tôi cùng khoảng 200 CN phải rời nhà máy…" - chị Diên nói.

Nằm trong nhóm lao động bị cắt giảm việc làm tại Công ty Nobland Việt Nam sau 12 năm gắn bó, chị Nguyễn Thị Thuần bày tỏ lo lắng: "Mấy ngày nay, tôi mang hồ sơ xin việc đến vài DN trong KCN Tân Thới Hiệp nhưng chưa nơi nào nhận vì các DN ở đây cũng đang gặp khó khăn. Giờ tôi chưa biết tính sao. Về quê thì không biết làm gì, còn ở lại TP thì chưa biết có xin được việc không".

Chị Phan Thị Thanh Trúc (quê ở Nghệ An) cùng chồng làm CN cho Công ty Yesum Vina được 10 năm. Nhờ việc làm ổn định, có thâm niên nên thu nhập của hai vợ chồng cũng tạm ổn. Nhưng mọi thứ thay đổi sau khi dịch bệnh bùng phát. Công ty gặp khó khăn và vợ chồng chị nằm trong số 600 CN bị cho nghỉ việc. Chi phí sinh hoạt, nuôi 2 con nhỏ, tiền thuê nhà trọ tạo áp lực lớn lên gia đình nữ CN này.

"Trong suốt thời gian bị mất việc làm, vợ chồng tôi đi xin việc khắp nơi nhưng chưa có nơi nào nhận. Bây giờ tìm việc làm khó quá, nhất là CN nữ ở tuổi 35 như tôi" - chị Trúc nói thêm.

Cũng mất việc vào mùa dịch nhưng gần 50 CN của cơ sở gia công giày Gia Khang (quận Bình Tân) rơi vào cảnh khốn đốn hơn, do vừa không được hỗ trợ mất việc, lại bị mất hơn 2 tháng tiền lương do chủ DN bỏ trốn. Việc giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này thường kéo dài.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-9

Kỳ tới: Đi thì dở, ở chẳng xong

Kỳ vọng vượt qua thách thức

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng từ cuối tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát lại tại Việt Nam đã gây nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, tạo sức ép lớn lên thị trường lao động và cả nền kinh tế. Chỉ riêng trong quý II/2020, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là gần 1,3 triệu, tăng 192.800 người so với quý I/2020 và tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm 2019.

Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động cần đoàn kết lại trong bối cảnh hơn 30 triệu người đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Cơ quan này tin tưởng Việt Nam, với tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt, sẽ vượt qua những thách thức về kinh tế và thị trường lao động.

Theo Giang Nam - Cao Hường - Hồng Đào - Thanh Nga

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên