MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp phải có vốn điều lệ 5 tỷ đồng trở lên để đưa người lao động làm việc ở nước ngoài

Chiều 13/11, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) chính thức được Quốc hội thông qua.

Trong đó, 93,36% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), gồm VIII chương, 76 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết cần xem xét thay việc sử dụng khái niệm "vốn chủ sở hữu" bằng "vốn điều lệ" nhằm phù hợp Luật Doanh nghiệp trong điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra làm việc kỹ với các cơ quan hữu quan và thống nhất quy định "vốn điều lệ" thay cho "vốn chủ sở hữu" như dự thảo Luật đã chỉnh lý. Theo đó, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên, có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

Nhìn chung, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) vừa được thông qua có đến 31 điểm mới thuộc 8 nhóm nội dung lớn.

Các quyền, nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng được quy định rõ và chặt chẽ hơn trong luật. Ví dụ: người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

Bên cạnh đó, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký Hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...

Đáng chú ý, ngoài các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tại Luật sửa đổi lần này chỉ cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên