Doanh nghiệp than thiếu vốn vì không được vay thế chấp bằng đất nông nghiệp hoặc định giá thấp, ngân hàng nói gì?
Đại diện Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại tại hội thảo
Theo đại diện 1 ngân hàng, trong 1-2 năm trở lại đây, giá bất động sản nông nghiệp thường xuyên có nhiều đợt sốt. Trong khi đó, việc cho vay là ở tương lai và dài hạn. Không thể lấy mức giá lúc đang sốt để định giá. Nếu điều này xảy ra, khi thời điểm giá xuống chất lượng tín dụng ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.
- 28-02-2023Vì sao lãi suất đồng loạt giảm dù NHNN hút thanh khoản mạnh kỷ lục?
- 28-02-2023Kiểm tra thông tin “Ngân hàng rao bán nợ, tài sản đảm bảo”
- 28-02-2023Ngân hàng cam kết tung 11.000 tỉ đồng cho vay lãi suất từ 7%/năm
Tại hội nghị "Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023: Ngành ngân hàng hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển" do Sở Công thương TP.HCM và Ngân hàng Nhà nước TP.HCM tổ chức ngày 28/2, các nghiệp, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại đã có buổi trao đổi về nhiều vướng mắc trong quá trình tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Đại diện một doanh nghiệp cho biết, ngân hàng từng nhận thế chấp bằng đất doanh nghiệp đi thuê tại khu công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngân hàng lại từ chối không tiếp tục cấp tín dụng đối với tài sản đảm bảo này. Việc này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, có hiện tượng các nhà băng không chấp nhận tài sản thế sản thế chấp là đất nông nghiệp. Nếu được chấp nhận, loại bất động sản này sẽ bị định giá rất thấp. Điều này dẫn đến doanh nghiệp bị "thiếu máu" để đầu tư và sản xuất kinh doanh.
Theo ông Ngô Tấn Long, Phó Tổng Giám đốc ACB, đối với các doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp trả tiền thuê hàng năm, song đã trả trước tiền hạ tầng trong một lần, ngân hàng vẫn sẽ xem xét quyền phát sinh từ hợp đồng thuê, các tài sản gắn liền với đất, như nhà máy nhà xưởng để nhận thế chấp và cấp tín dụng.
Còn đối với đất nông nghiệp, ngân hàng vẫn xem xét định giá đất căn cứ trên giá thị trường. Tuy nhiên, trong hoạt động ngân hàng có những điều chỉnh theo hướng dẫn của nhà nước để đảm bảo an toàn hoạt động.
Ông nói thêm, trong 1-2 năm trở lại đây, giá bất động sản nông nghiệp lại thường xuyên có nhiều đợt sốt. Trong khi đó, việc cho vay là ở tương lai và dài hạn.
"Không thể lấy mức giá lúc đang sốt để định giá. Nếu điều này xảy ra, khi thời điểm giá xuống chất lượng tín dụng ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng", ông Long nói.
Ông Lâm Việt Anh, PGĐ ngân hàng BIDV chi nhánh Chợ Lớn cũng đồng tình với quan điểm trên và có một số bổ sung.
Theo đó, ông này cho rằng về bản chất, đất nông nghiệp có mục đích sử dụng khá hạn chế, thanh khoản không cao. Ngân hàng vẫn sẽ nhận thế chấp, song mức giá sẽ phải điều chỉnh để đảm bảo an toàn hoạt động.
"Ngân hàng cũng có những giải pháp khác cho doanh nghiệp. Ví dụ như dựa trên những xếp hạng tín dụng, uy tín, ngành nghề kinh doanh được hỗ trợ, ngân hàng sẽ xem xét cầm cố các khoản phải thu, công nợ hoặc tồn kho. Ngoài ra, ngân hàng cũng nhận cầm cố cả tiền gửi, bất động sản của bên thứ ba là chủ doanh nghiệp hoặc những thành viên, cổ đông góp vốn, người có quan hệ thân thuộc với các thành viên kể trên làm tài sản đảm bảo", ông Việt Anh chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc ngân hàng OCB tại chương trình cho biết, đất nông nghiệp chưa bao giờ là một đối tượng cấm kị trong việc nhận thế chấp.
"Thậm chí trong thời kỳ sốt đất, chúng tôi cũng buộc phải chấp nhận tiếp nhận đất nông nghiệp có giá mức độ cao", ông Tùng nói thêm.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các cơ quan quản lý TP.HCM cho biết, đã nắm bắt tình hình doanh nghiệp không thế chấp được đất thuê tại khu công nghiệp và đang có những biện pháp tháo gỡ khó khăn.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề tài sản thế chấp, hàng loạt khó khăn vướng mắc khác cũng đã được các doanh nghiệp và ngân hàng thảo luận cũng như tìm cách tháo gỡ.
Nhịp Sống Thị Trường