MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thấp thỏm với phí cảng biển

Trong bối cảnh có quá nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tha thiết mong TP HCM tiếp tục lùi thời gian áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển đến hết năm 2022

Sau gần 1 tháng rưỡi thử nghiệm thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển tại TP HCM (gọi chung là phí hạ tầng cảng biển), Cảng vụ Đường thủy nội địa TP HCM và một số đơn vị liên quan sẽ triển khai thu phí chính thức từ ngày 1-4.

Chưa thu phí, cước đã tăng

Đại diện một tập đoàn nước ngoài chuyên nhập khẩu và cung cấp các loại nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi cho hay đã nhận thông báo từ hãng tàu về việc điều chỉnh một số loại phụ phí, cước vận chuyển, bao gồm phí hạ tầng cảng biển sẽ áp dụng từ đầu tháng 4.

"Mức tăng khá cao, chắc chắn chi phí này sẽ phải cộng vào giá thành nguyên liệu. Trong khi sức mua thị trường không thật sự tốt, việc tăng phí chắc chắn sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho cả doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, cung ứng lẫn DN sản xuất, phân phối và DN chăn nuôi trong nước" - vị đại diện này phản ánh.

Một DN xuất nhập khẩu khác tại TP HCM cho hay đại lý hãng tàu đã điều chỉnh phụ phí CIC (phụ phí cân bằng container, các hãng tàu thu nhằm bù đắp chi phí vận chuyển container rỗng về nơi có nhu cầu xuất hàng) container 40 feet lên 2,3 triệu đồng (khoảng 100 USD, trước đó là 60 USD) từ ngày 15-3 chứ không đợi tới ngày 1-4.

Ngoài cước vận chuyển quốc tế tăng, còn có lý do là xăng dầu tăng giá; cước vận chuyển, xếp dỡ hàng tại các cảng nội địa về cảng Cát Lái (TP HCM) cũng tăng 10%-30% so với đơn giá được niêm yết từ năm 2019. "Họ báo giá tăng thì bắt buộc DN phải trả thêm tiền chứ không có cách nào khác" - đại diện DN này giải thích.

Theo tính toán, nếu TP HCM thu phí cảng biển , một DN thủy sản xuất khẩu quy mô trung bình có thể tốn thêm 3 - 3,5 tỉ đồng/năm, DN lớn có thể tốn thêm 13 - 14 tỉ đồng/năm. Các DN xuất nhập khẩu hàng dệt may, da giày, gỗ, nhựa… cũng sẽ tốn thêm hàng tỉ đồng trong khi hầu hết chi phí đầu vào đều rất cao vì giá nguyên vật liệu, vận chuyển, logistics, nhân công… đều tăng vọt.

Nhìn thấy trước khả năng khó khăn sẽ chồng khó khăn nếu phải "gánh" thêm phí hạ tầng cảng biển trong thời gian này, từ đầu tháng 3-2022, các hiệp hội: Thực phẩm Minh bạch, Dệt may, Da giày - Túi xách, Sữa, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ đã đồng kiến nghị TP HCM lùi thời hạn triển khai thu phí đến sau ngày 31-12-2022.

Lý do là từ nửa cuối năm 2021, nhiều DN phải ngưng hoạt động vì dịch Covid-19 nhưng vẫn phải chi trả nhiều khoản như lương cho công nhân, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... vì không xuất khẩu, bán được hàng. Tháng 10-2021, TP HCM mở cửa trở lại nhưng DN vẫn hoạt động cầm chừng khoảng 30%-70% công suất vì thiếu công nhân, nguyên liệu và chuỗi cung ứng bị đứt gãy...

Từ đầu năm 2022 đến nay, DN phải đối mặt hàng loạt vấn đề phát sinh khi tình trạng thiếu container trầm trọng hơn, cước vận tải biển tiếp tục tăng, xăng dầu, nguyên liệu đều tăng giá... Vì vậy, các hiệp hội kiến nghị TP HCM chưa triển khai thu các loại phí cảng biển để hỗ trợ DN không rơi vào kiệt quệ trong lúc này.

Doanh nghiệp thấp thỏm với phí cảng biển - Ảnh 1.

Nhân viên Cảng vụ Đường thủy nội địa TP HCM vận hành, giám sát hệ thống thu phí thử nghiệm qua máy tính. Ảnh: THU HỒNG


Cần công khai, minh bạch

Chiều 24-3, trao đổi với phóng viên, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay hiện vẫn chưa nhận được văn bản trả lời của các cơ quan chức năng về kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển.

"Chúng tôi hy vọng các kiến nghị của cộng đồng DN được Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính, HĐND TP HCM và UBND TP HCM xem xét, chấp thuận để góp phần giúp DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh để hồi phục sau một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19" - ông Hòe bày tỏ.

Theo phản ánh của các DN, hiện nay họ đã phải nộp rất nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng như: cầu đường, sử dụng đường bộ, BOT... Ví dụ, hiện tại DN vận chuyển hàng từ Khánh Hòa vào cảng Cát Lái có tới 7 trạm thu phí BOT, tốn hơn 2,5 triệu đồng/container. Như vậy, một DN thủy sản ở Khánh Hòa nếu xuất khẩu 3.000 container/năm phải chi 7,5 tỉ đồng phí BOT, nay nếu thêm phí hạ tầng cảng biển sẽ phải chi thêm 5,5 tỉ đồng/năm.

Do đó, cộng đồng DN kiến nghị TP HCM hoãn thu phí này đến hết năm 2022. Đồng thời, TP HCM cần công bố chính thức thời gian bắt đầu và kết thúc thu phí, cũng như công khai, minh bạch kế hoạch sử dụng nguồn thu từ các khoản phí nói trên.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trên quan điểm cá nhân, ông không phản đối kế hoạch thu phí cảng biển tại TP HCM từ ngày 1-4, vì thành phố đã có 2 lần hoãn thu phí để hỗ trợ cộng đồng DN.

"Trên nguyên tắc chung, ai sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền, ngân sách nhà nước không thể gánh mãi. Hơn nữa, so với sự điều chỉnh giá cước mà các hãng tàu thu của DN thì khoản phí này rất nhỏ. Tuy nhiên, khi đóng phí, DN kỳ vọng chất lượng dịch vụ cảng biển được cải thiện. Nguồn thu phí cảng biển cần được sử dụng để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng quanh cảng biển nhằm giảm ùn tắc, giúp DN rút ngắn thời gian vận chuyển, cũng là cách giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh" - ông Nguyên nhìn nhận.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP HCM (HBA), cũng đánh giá mức tăng từ phí hạ tầng cảng biển là không đáng kể so với sự tăng giá của nguyên phụ liệu, vận chuyển… Nếu bắt buộc áp dụng và khoản phí đó dùng để đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với các cảng biển thì DN vẫn chấp nhận.

"Tuy nhiên, TP HCM cần công khai tổng nguồn thu là bao nhiêu, sử dụng vào những việc gì. Cụ thể, cần công khai từng năm thành phố dùng nguồn thu này để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng… hạ tầng giao thông kết nối với cảng biển hay trong cảng ra sao, để DN tin tưởng và đồng thuận cao hơn" - ông Nguyễn Văn Bé kiến nghị.

Nếu có vướng mắc sẽ đánh giá lại

Liên quan tới kiến nghị tiếp tục lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển tại TP HCM, chiều 24-3, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết đã giao Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố làm việc với các đơn vị về vấn đề này.

Trong khi đó, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, ông Lê Trương Hải Hiếu, nói ông rất chia sẻ với những khó khăn của DN trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-4 đã được HĐND TP HCM ban hành Nghị quyết nên thành phố vẫn sẽ thực hiện. Sau đó, nếu có vướng mắc, khó khăn thì HĐND thành phố sẽ đánh giá lại.

Chánh Văn phòng UBND TP HCM Đặng Quốc Toàn - người phát ngôn UBND thành phố - cũng cho hay UBND TP HCM đã nghiên cứu đề xuất của các DN về việc hoãn thu phí hạ tầng cảng biển. Lãnh đạo thành phố rất chia sẻ với các khó khăn của DN, song vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương thu phí vào ngày 1-4. "Trong quá trình thực hiện, thành phố sẽ xem xét những trường hợp cụ thể" - ông Đặng Quốc Toàn cho hay.

Trong khi đó, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết việc thu phí hạ tầng cảng biển thực hiện theo Luật Phí, lệ phí có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Đến cuối năm 2020, HĐND thành phố mới ban hành Nghị quyết 10 về thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển, chậm hơn kế hoạch 3 năm. Sau đó, để hỗ trợ DN do ảnh hưởng dịch bệnh, UBND TP HCM đã 2 lần trình HĐND thành phố thông qua việc tạm hoãn thu phí, lần đầu là đến ngày 1-10-2021, lần 2 đến ngày 1-4-2022. Số tiền dự tính thu trong 9 tháng tạm hoãn lên tới 2.205 tỉ đồng.

Theo ông Bùi Hòa An, việc thu phí nếu triển khai sẽ giúp TP HCM có được nguồn nhất định để tập trung hoàn chỉnh hạ tầng xung quanh các cảng. Cụ thể, từ nay đến năm 2025, hệ thống hạ tầng xung quanh các cảng sẽ được đầu tư theo nghị quyết của HĐND thành phố về đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, nhằm hỗ trợ DN nhiều hơn khi quay vòng phương tiện, quay vòng logistics cũng như đẩy nhanh các hoạt động khác và giúp giảm chi phí.

Theo đề án thu phí hạ tầng cảng biển TP HCM, với việc triển khai thu phí trên toàn hệ thống gồm 26 cảng biển ở thành phố, ước tính mỗi năm nguồn thu phí khoảng 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án mở rộng, làm thêm đường kết nối vào các cảng biển. Để chuẩn bị cho việc thu phí chính thức từ ngày 1-4, TP HCM đã vận hành thử nghiệm hệ thống thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển từ ngày 16-2 đến hết ngày 15-3.

Ph.Anh - Th.Hồng


Theo Thanh Nhân - An Na

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên