Doanh nghiệp thép gồng mình cạnh tranh với thép nhập khẩu
Thép ngoại ồ ạt tràn vào thị trường nội địa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lao đao khi thị phần tiêu thụ bị thu hẹp.
- 29-06-2016Trung Quốc dọa kiện Mỹ tại WTO vì thuế nhập khẩu thép
- 20-06-2016Nhập khẩu thép tăng
- 13-06-2016Việt Nam nhập khẩu thép nhiều nhất Đông Nam Á
Từ đầu năm đến nay, thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam, theo dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh vào nửa cuối năm nay khiến các doanh nghiệp thép trong nước dù đã được áp thuế tự vệ nhưng vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay, cả nước nhập khẩu hơn 9,6 triệu tấn thép, với tổng kim ngạch hơn 3,4 tỷ USD. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm tới 60% tổng lượng nhập khẩu. Như vậy, nhập khẩu thép đã tăng khoảng 48% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mặt hàng khác như tôn mạ và sơn phủ màu lượng nhập khẩu cũng đạt mức 730.000 tấn, tăng 68%.
Thép ngoại ồ ạt tràn vào thị trường nội địa khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước lao đao, bởi thị phần tiêu thụ trong nước bị thu hẹp lại. Trong khi đó, sản xuất thép mới chỉ đạt 60% công suất, nhiều doanh nghiệp phải ngưng sản xuất tạm thời, công nhân không đủ việc làm.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho biết, trong 3 năm gần đây, lượng thép lá mạ nhập khẩu vào Việt Nam tăng khá cao, chỉ riêng 6 tháng qua, lượng thép này đổ về Việt Nam khoảng 900.000 tấn, dự báo đến hết năm nay, con số này có thể lên đến 1,82 triệu tấn. Tỷ lệ thép nhập khẩu tăng cao trong khi năng lực của các nhà máy sản xuất thép lá mạ trong nước chỉ có thể cung ứng ra thị trường khoảng 4 triệu tấn.
“Ảnh hưởng của thép lá mạ từ nước ngoài vào Việt Nam đã tác động rất lớn đối với những nhà sản xuất thép trong nước. Vì vậy, công ty cũng phải tìm cách để tìm ra các phân khúc thị trường chất lượng cao không chỉ trong nước mà còn vươn tới những thị trường xuất khẩu như Mỹ, Australia và trong khu vực Đông Nam Á để có thể duy trì được hoạt động sản xuất của doanh nghiệp....”, ông Trung cho biết.
Dự báo, thời gian tới, việc tiêu thụ thép sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tình trạng cung vượt xa cầu khiến nhiều doanh nghiệp lớn bị thua lỗ. Bên cạnh đó, ngành thép trong nước còn đối mặt với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, như thép giá rẻ, thép giả danh hợp kim, chứa các nguyên tố hợp kim như Bo, Chrome,… nhằm lách thuế.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia trong ngành thép cho rằng, nếu không nhanh chóng có giải pháp hạn chế lượng nhập khẩu thép, nhất là từ phía đối tác Trung Quốc và gia tăng thị phần cho thép nội thì các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi mùa xây dựng đang đến gần.
Mặt khác, đến tháng 10 tới sẽ hết hạn áp thuế tự vệ tạm thời sau 200 ngày có hiệu lực, nếu không tiếp tục thực hiện việc áp thuế tự vệ, các doanh nghiệp trong nước có thể sẽ rơi vào tình trạng giảm công suất, ngừng sản xuất và phá sản.
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Hiệp hội thép sẽ cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy nhanh việc triển khai những vụ tranh tụng thương mại này để góp phần ngăn cản thép nhập khẩu ở nước ngoài vào, đặc biệt từ Trung Quốc.
“Hiệp hội Thép sẽ cùng với các doanh nghiệp và các đơn vị thành viên bàn bạc tìm ra những giải pháp tốt nhất để mà bình ổn giá thị trường, giữ được thị trường, ổn định về giá cả cũng như thị phần, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp với nhau”, ông Sưa nêu rõ.
Cũng theo ông Sưa, đối với các doanh nghiệp thép vẫn cần đặc biệt quan tâm đổi mới công nghiệp, áp dụng các biện pháp tiên tiến...nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thép thì mới có khả năng trụ được tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu và vươn tới thị trường quốc tế.../.
VOV