MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp thích ứng với công nghiệp 4.0

Đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại là chìa khóa quan trọng quyết định thành bại của doanh nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trao đổi tại hội thảo "Doanh nghiệp (DN) Việt Nam với cách mạng công nghiệp 4.0" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM tổ chức vào sáng 12-4, nhiều DN bày tỏ lo ngại sẽ gặp thách thức hơn trong tiến trình theo kịp các cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu. Bởi tốc độ phát triển công nghệ kỹ thuật hay công nghệ thông tin đưa vào quản lý sản xuất, kinh doanh đều đang rất nhanh, nếu không chuyển biến DN sẽ không thể phát triển. Đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại chính là chìa khóa quan trọng quyết định thành bại của DN trong bối cảnh hiện đại.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, cho biết thành công hiện tại của Vinamit là nhờ luôn hướng đến những giải pháp cho nông nghiệp, đào sâu nghiên cứu tất cả công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt 5 năm gần đây, Vinamit nghiên cứu rất kỹ về ứng dụng công nghệ sinh học. Với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, DN Việt Nam bắt buộc phải hướng tới công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý và cả công nghệ sinh học. "Khi kết hợp nhiều công nghệ mới, sản phẩm mang tính độc đáo đột phá mới có sức hấp dẫn người tiêu dùng" - ông Viên chia sẻ.

Doanh nghiệp thích ứng với công nghiệp 4.0 - Ảnh 1.

Robot trên dây chuyền sản xuất tự động tại Nhà máy Sữa Vinasoy Ảnh: TẤN THẠNH

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất từ năm 2010 và là đối tác chiến lược của Tập đoàn Samsung, Công ty CP Công nghiệp và Thiết bị chiếu sáng Duhal luôn xem công nghệ là giá trị cốt lõi để tăng trưởng. Ông Huỳnh Dũng Sáng, phó tổng giám đốc công ty này, cho biết DN đã đầu tư chiều sâu về công nghệ, liên tục cập nhật cải tiến và sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển sâu rộng hơn để tối ưu quy trình sản xuất. Nhờ đầu tư đúng trọng tâm, công ty đã tăng trưởng liên tục: doanh thu năm 2017 đạt trên 1.000 tỉ đồng, trong đó riêng xuất khẩu chiếm 30%. Mục tiêu đến năm 2020 đạt doanh số 250 triệu USD/năm và đầu tư cho sản xuất đến năm 2020 tăng năng lực lên gấp 5 lần hiện nay.

Cũng trưởng thành nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, Công ty CP Color Life - website: Hoayeuthuong.com, đang lên kế hoạch mở chi nhánh ở Hà Nội trong năm nay và mở sang Campuchia trong năm 2019. Ông Phạm Hoàng Thái Dương, nhà sáng lập công ty này, cho biết ông đã dành 3 năm đầu để nghiên cứu về công nghệ ứng dụng cho ngành hoa, sau khi đã xây dựng được hạ tầng cơ bản rồi mới mở shop hoa và kinh doanh hoa.

Hoayeuthuong.com ứng dụng công nghệ gần như khép kín trong tất cả bộ phận từ đặt hàng, giao hàng, quản lý sản xuất, kế toán tài chính, nhân sự và chăm sóc sau bán hàng nên đã giải quyết tốt được hàng trăm đơn hàng hiện nay và đến hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày sau này. Cũng nhờ có hệ thống mà các nhà đầu tư dễ dàng quan sát, đánh giá tình hình kinh doanh của công ty, từ đó có quyết định đầu tư chính xác hơn.

Ở góc độ quản lý, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, cho biết Việt Nam nhờ lợi thế về địa kinh tế (điểm kết nối của Đông Bắc Á với Đông Nam Á) và nguồn lực lao động nên hưởng lợi nhiều từ sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam và chiến lược Trung Quốc + 1 của các tập đoàn đa quốc gia.

Tuy nhiên, cách mạng 4.0 có thể làm thay đổi những điều trên. Để bắt kịp cách mạng 4.0, Việt Nam cần tiếp tục giải quyết những vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội và môi trường tồn đọng từ giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Đồng thời, nhanh chóng tận dụng cơ hội và vượt lên những thách thức mới xuất hiện, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hỗ trợ DN giảm thâm dụng lao động phổ thông.

Cần cơ chế ràng buộc DN FDI

Đối với TP HCM, ông Lê Hoài Quốc cho rằng cần có cơ chế ưu đãi áp dụng cho các DN và cho các công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp; cơ chế ràng buộc các DN FDI tham gia phát triển chuỗi cung ứng nội địa (nội địa hóa) và cơ chế đặc biệt để khuyến khích DN trong nước đầu tư tham gia chuỗi cung ứng nội địa. TP HCM cũng cần hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành, đào tạo liên ngành; ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối. Song song đó, phát triển thị trường vốn dài hạn và thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên