Doanh nghiệp thuộc trường hợp nào không bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7?
Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ 1/7/2022, cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đáp ứng đủ điều kiện sau.
- 05-07-2022Xác thực thông tin thuê bao để giải quyết dứt điểm tình trạng dùng SIM rác, nặc danh
- 05-07-2022Thêm một sàn giao dịch cấm rút tiền, Bitcoin chật vật phá mốc 20.000 USD
- 04-07-2022Đã có 536,6 triệu hóa đơn điện tử được phát hành
Trường hợp nào không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử?
Theo quy định Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, cơ sở kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử nếu đáp ứng đủ điều kiện.
Nội dung này được nêu rõ tại khoản 2 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC. Cụ thể, đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập trong thời gian từ ngày Thông tư này được ban hành đến hết ngày 30/6/2022, trường hợp cơ quan thuế thông báo cơ sở kinh doanh thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018, Thông tư số 68/2019/TT-BTC và Thông tư này thì cơ sở kinh doanh thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Trường hợp chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thì thực hiện như các cơ sở kinh doanh nêu tại khoản 1 Điều này.
Theo đó, doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh khác không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 nếu đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
(1) Thành lập trong thời gian từ ngày 17/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
(2) Chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.
Đối với trường hợp cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin mà tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in,… thì cơ sở kinh doanh thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP cùng với việc nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Cơ quan thuế tiếp nhận dữ liệu hóa đơn của các cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.
Mức phạt vi phạm quy định chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử
Đối với cơ sở kinh doanh không sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định mà bị phát hiện có thể bị xử phạt hành vi vi phạm quy định về chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định tại Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:
- Phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với hành vi chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế quá thời hạn từ 01 đến 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
- Phạt tiền từ 5-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 6-10 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
+ Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.
- Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế quá thời hạn từ 11 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
+ Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.
Ngoài việc bị phạt tiền người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đó là buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế. Tuy nhiên, biện pháp khắc phục hậu quả chỉ áp dụng đối với hành vi sau:
- Chuyển bảng tổng hợp dữ liệu hóa đơn điện tử không đầy đủ số lượng hóa đơn đã lập trong kỳ.
- Không chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế theo thời hạn quy định.