MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ nần

Nhiều doanh nghiệp (DN) trong khó khăn đã tìm đủ cách xoay xở trong vòng xoáy nợ nần, bán những tài sản có thể để trả nợ. Điều đáng nói là, phía mua là tổ chức nước ngoài, nhiều tài sản còn bị bán với giá thấp hơn giá trị thực rất nhiều.

Gạt nợ, bán rẻ tài sản

Đây là thực trạng đáng báo động, vừa được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Ông Dũng cho biết: "Nhiều doanh nghiệp lớn đã bán gần hết tài sản, những gì bán được đã bán. Đây là điều rất đáng lo ngại khi chỉ bán bằng 50% giá thực, còn bên mua toàn người nước ngoài. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về câu chuyện thâu tóm”.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một tập đoàn giáo dục kể về việc phải xoay xở lo trả nợ khoản trái phiếu DN đã phát hành trước đó. Theo đó, đầu năm 2023, DN đến hạn tất toán trái phiếu nhưng cạn tiền không thể thanh toán. Trong khi đó, trái chủ không đồng ý kéo dài thời hạn thanh toán. “Trái chủ dọa sẽ treo băng rôn, bóc phốt trên mạng xã hội, chúng tôi phải tìm đủ cách để trả nợ. Cổ phiếu, bất động sản được mang ra gạt nợ cho trái chủ nhằm giữ uy tín của DN”, vị này cho biết.

Doanh nghiệp trong vòng xoáy nợ nần - Ảnh 1.

Doanh nghiệp dệt may “ăn đong” đơn hàngẢnh minh họa: Như Ý

Bán rẻ tài sản đảm bảo để trả nợ trái phiếu cũng diễn ra tại Công ty Cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thái Tuấn vừa qua đã họp với trái chủ và được chấp thuận bán rẻ bất động sản tại quận 5 (TPHCM) để gán nợ. Giá bán 3 thửa đất tại TPHCM được điều chỉnh từ 135 tỷ đồng, xuống 75 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang trễ hẹn trả nợ 800 tỷ đồng trái phiếu.

Hàng tồn kho, tiếp tục lo đơn hàng giảm

Quý I/2023, vì thiếu đơn hàng, giá lại thấp nên doanh thu của CTCP Garmex Sài Gòn (ngành may mặc) giảm tới 94% so với cùng kỳ năm trước, lỗ sau thuế hơn 20,6 tỷ đồng. Lãnh đạo Garmex Sài Gòn cho biết, quý I vừa qua, DN buộc phải thu hẹp hoạt động, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có, hoặc thanh lý tài sản không cần dùng. Khó khăn tại DN này đã nhen nhóm từ giữa tháng 8/2022, khi phải tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy, hầu hết hàng làm ra phải lưu kho.

Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Cty May 10 cho PV Tiền Phong biết, hiện đơn hàng xuất khẩu của công ty giảm mạnh. So với thời điểm chưa có dịch COVID-19 (năm 2019). Đơn hàng sản phẩm làm từ vải dệt kim (như quần áo thể thao, sơ sinh, áo phông…) giảm 20-30%, trong khi sản phẩm từ vải dệt thô (áo sơ mi, đồ tây…) giảm 70-80%. Tuy nhiên, theo ông Long, số đơn hàng này cũng chỉ có tới hết quý II, đầu quý III năm nay, nửa cuối năm 2023 hầu như chưa có đơn hàng. “Đơn hàng hiện nay của chúng tôi chỉ đáp ứng khoảng 90% năng lực sản xuất, có đơn vị trực thuộc phải tạm đóng cửa do không có đơn hàng”, ông Long nói.

Theo lãnh đạo May 10, chủ yếu đơn đặt hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản giảm mạnh. Đi kèm với đơn hàng giảm, giá đặt hàng của các đối tác nước ngoài cũng giảm 30-40% so với trước.

Tại CTCP May Nam Hà, ông Đoàn Tiến Dũng, Tổng giám đốc công ty cho biết, chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may đối diện thực trạng đơn hàng giảm nghiêm trọng và đột ngột như hiện nay. Tại công ty ông Dũng, đơn hàng chỉ tính theo tháng, mức giảm bình quân 50-60% so với năm 2019, vậy nên doanh thu cũng giảm tương ứng. Trường hợp doanh nghiệp dệt may chỉ gia công phục vụ thị trường châu Âu và Mỹ, đơn hàng sẽ sụt giảm nghiêm trọng hơn, hang tồn kho tăng.

Về giải pháp ứng phó khó khăn thực tại, ông Dũng cho biết, doanh nghiệp phải tìm kiếm các thị trường mới, làm cả sản phẩm không phải là thế mạnh, miễn là có đầu ra để tạo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp quay lại tìm kiếm cơ hội từ thị trường nội địa, nhưng việc này cũng không dễ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, từ cuối quý III/2022 đến nay, ngành dệt may bắt đầu ngấm đòn lạm phát. Đơn hàng và đơn giá đều giảm 20-30%, cá biệt một số mặt hàng giá giảm tới 40-50%. Theo ông Cẩm, đây là điều chưa từng xảy ra với ngành dệt may.

Theo số liệu mới nhất của Vitas, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 4 tháng đầu năm nay đạt 11,7 tỷ USD, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022. Phó Chủ tịch Vitas Trương Văn Cẩm cho biết, tồn kho rất lớn.

Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai cho biết, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng đang là vấn đề cần tập trung tháo gỡ hiện nay. Là tỉnh có số doanh nghiệp dệt may lớn, với khoảng 300.000 lao động, chiếm tới hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp nên việc doanh nghiệp thiếu đơn hàng ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, cuộc sống của hàng trăm nghìn công nhân.

Số liệu của Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cũng cho thấy, hiện chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đơn hàng, duy trì sản xuất đều đặn, hơn 30% giữ được sản xuất ổn định.

Ông Bùi Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP Viglacera Tiên Sơn (Thái Bình) cho biết, năm 2022 dù gặp khó khăn với thị trường bất động sản, nhà máy vẫn hoạt động khá hiệu quả. Doanh thu mỗi tháng trung bình khoảng 60 tỷ đồng. Nhưng bước sang năm 2023, hoạt động của công ty cũng ảnh hưởng theo. Doanh thu hiện tại chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng/tháng. Hiện tại, nhà máy chỉ sản xuất theo đơn hàng tuần và ngày. Cùng với đơn hàng liên tục bị cắt giảm, các khoản khoán chi cũng đang là sức ép rất lớn với doanh nghiệp.

Theo số liệu của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với tình trạng đơn hàng ở các thị trường lớn của doanh nghiệp như Mỹ, EU hay Hàn Quốc đều giảm tới hơn 20% từ đầu năm đến nay, trong đó, thị trường EU giảm tới 42,8%.

“Bi đát” là từ được bà Đỗ Thị Thuý Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) nhấn mạnh nhiều lần khi trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay.

Theo bà Hương, ghi nhận từ các thành viên của VEIA cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong ngành đang trong cảnh đói hết sạch đơn hàng mới từ tháng 6 tới. Việc “đói đơn hàng” sẽ khiến ngành công nghiệp điện tử sụt giảm nhanh kim ngạch xuất khẩu trong quý 2. “Quý 1, kim ngạch xuất khẩu giảm 9,7% so với cùng kỳ”, bà Hương nói.

Theo bà Hương, tình trạng khó khăn với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, cũng như với doanh nghiệp điện tử xuất hiện từ cuối năm ngoái khi đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp điện tử liên tục giảm sút, vì tác động của kinh tế toàn cầu.

Ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung cấp vật liệu xây dựng tại Thanh Hoá cho biết, năm 2022, nhiều thời điểm, cước phí vận tải biển tăng chóng mặt. Thậm chí, một số đơn hàng phải bù lỗ chi phí để giữ uy tín với đối tác nước ngoài. “Dù lỗ chúng tôi vẫn phải xuất hàng để giữ uy tín với đối tác và giữ mối làm ăn lâu dài. Để duy trì nhà máy, chúng tôi phải giảm lao động, giảm giá bán sản phẩm”, ông Quảng nói.


Theo Nhóm PVKT - XH

Tiền phong

Trở lên trên