Doanh nghiệp tư nhân lép vế trong cạnh tranh
Chiếm số lượng đông đảo, nhưng doanh nghiệp tư nhân lại đang lép vế so với khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI.
- 05-08-2017Doanh nghiệp tư nhân vì sao khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng?
- 28-07-2017Doanh nghiệp tư nhân đói vốn như cơ thể thiếu máu, khỏe kiểu gì?
- 26-07-2017Doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
- 22-06-2017Phát triển doanh nghiệp tư nhân: “Cần bình đẳng, không cần ưu đãi”
- 20-06-2017Thủ tướng sẽ đối thoại với doanh nghiệp tư nhân vào tháng 7
Doanh nghiệp tư nhân đang lép vế so với khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ việc tiếp cận tín dụng, đất đai, hay hàng loạt các ưu đãi khác. Đây đang là một lực cản cần được tháo gỡ để khối doanh nghiệp này thực sự có được môi trường cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế và lớn mạnh, đúng như vai trò được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam có 3 thành phần chính: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vẫn loay hoay với hàng loạt câu hỏi: quỹ đất ở đâu, nguồn vốn vay như thế nào và tìm kiếm cơ hội phát triển ra sao.., thì các doanh nghiêp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thường không phải quá bận tâm về vấn đề này. Điều này đang tạo ra một bức tranh méo mó trong một môi trường kinh tế thị trường.
Phải mất nhiều tháng, một doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ mới có thể hoàn thành những thủ tục vay vốn. Hàng loạt những quy định từ xác nhận tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh, giấy phép kinh doanh mà nhiều khi các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ khó có thể vượt qua.
Tong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường được trải thảm đỏ ở hầu hết các tỉnh thành, thậm chí tạo ra cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các tỉnh thành. Họ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế, đất đai, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính, mà bất kỳ doanh nghiệp tư nhân trong nước nào cũng đều mơ ước. Điều này phần nào tạo ra một môi trường thiếu bình đẳng và các doanh nghiệp tư nhân vốn đã nhỏ, lại càng khó có thể lớn lên.
Không những thế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn được miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị, vật tư, phương tiện vận tải và hàng hóa khác để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, trong quá trình đầu tư nếu lỗ được chuyển lỗ sang năm sau và số lỗ này được trừ vào thu nhập tính thuế. Đây là những lợi thế lớn của khối doanh nghiệp này nhưng lại trở thành bất lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước, khi tiềm lực, năng lực đều kém hơn các doanh nghiệp đến từ nước ngoài.
Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ luôn là đối tượng bị tác động mạnh nhất bởi các chính sách và họ luôn là bên yếu thế. Trong khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2 năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết "tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp" và hơn 42% doanh nghiệp đồng ý "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước".
VTV1