Doanh nghiệp tư nhân tăng đầu tư ra nước ngoài
Đang có xu hướng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gia tăng đầu tư ra nước ngoài, còn doanh nghiệp nhà nước giảm dần các dự án chuyển vốn ra nước ngoài.
Thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho thấy 6 tháng đầu năm 2020, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 222,67 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ. Trong đó, 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 185,3 triệu USD, tăng 78,4% so với cùng kỳ.
"Đem chuông đi đánh xứ người"
Trước đó, trong báo cáo đến Chính phủ về tình hình đầu tư ra nước ngoài năm 2019, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài (bao gồm cả đăng ký mới và điều chỉnh) đạt 528,78 triệu USD, tăng 10% so với năm 2018; lợi nhuận và tiền chuyển về nước đạt 313,5 triệu USD. Lũy kế đến hết năm 2019, tổng vốn đăng ký đạt 20,6 tỉ USD; lũy kế lợi nhuận và vốn chuyển về nước khoảng 3 tỉ USD.
Viettel triển khai mạng viễn thông Mytel tại Myanmar góp phần nâng cao chất lượng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Myanmar .Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Theo Bộ KH-ĐT, có 5 doanh nghiệp (DN) đầu tư ra nước ngoài với vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng với Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO) và Công ty CP Golf Long Thành. Trong đó, dự án khai thác dầu khí tại Nga của PVN đóng góp lợi nhuận chuyển về nước là 170,07 triệu USD; dự án kinh doanh mạng viễn thông của Tập đoàn Viettel tại Campuchia đem về 22,1 triệu USD, tại Đông Timor 6,3 triệu USD, tại Lào 5,8 triệu USD...
Đáng lưu ý, báo cáo của Bộ KH-ĐT ghi nhận số lượng dự án quy mô vừa và nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân tăng dần. Ngược lại, số lượng dự án quy mô vốn lớn trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, viễn thông... của DN nhà nước hoặc có vốn nhà nước giảm mạnh trong vài năm gần đây. "Năm 2019, 100% dự án mới đầu tư ra nước ngoài của các DN khu vực kinh tế tư nhân, công ty cổ phần như Vingroup, Vietjet, THACO, FPT, T&T, Vinamilk, TH True Milk…; không có dự án đầu tư ra nước ngoài của DN nhà nước" - báo cáo nêu rõ.
Về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong những năm gần đây, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng đây là câu chuyện hoàn toàn mang tính thị trường, phù hợp với tổng thể của tiến trình tự do hóa đầu tư - thương mại, tự do hóa cán cân thanh toán quốc tế và hội nhập nền kinh tế quốc tế. "Cần nhìn nhận đây là xu thế của thị trường để tạo điều kiện nhiều hơn cho DN tư nhân dễ dàng đầu tư nguồn lực ra nước ngoài để chuyển lợi nhuận về nước trong khi dư địa và tiềm năng đầu tư còn rất lớn. Trong đó, quan trọng nhất đối với hoạt động đầu tư ở xứ người chính là dòng tiền đủ mạnh và vận hành an toàn, bên cạnh đó là năng lực quản trị, khả năng nắm bắt thị trường của DN" - TS Võ Trí Thành nói.
Lợi nhuận thấp, không ít rủi ro
Theo nhận xét của chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài còn rất khiêm tốn, thấp hơn 10% GDP cả nước. Tương tự, lợi nhuận chuyển về nước cũng không đóng góp đáng kể vào kinh tế đất nước. "Điều này dễ hiểu vì trong 40 năm qua, chúng ta tập trung đầu tư vào nội địa để thúc đẩy phát triển nhiều mặt của kinh tế đất nước. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài chỉ cần thiết ở lĩnh vực có giúp ích cho nền kinh tế của đất nước như an ninh quốc phòng, công nghệ thông tin... Chiến lược này phù hợp với bối cảnh và tình hình phát triển của đất nước. Do vậy, quy mô và hiệu quả đầu tư còn hạn chế" - ông Nguyễn Trí Hiếu lý giải.
Để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài thu lợi nhuận, TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để DN, đặc biệt là DN tư nhân, mạnh dạn đầu tư. Trong đó, mở rộng nhiều hơn nữa lĩnh vực mà DN có thể được đầu tư như thương mại, dịch vụ, bất động sản, công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng. Đồng thời, có chiến lược cụ thể về đầu tư ra nước ngoài, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
"Lĩnh vực tài chính ngân hàng ghi nhận đầu tư ra nước ngoài còn rất thấp. Tuy không dễ để biến thành lĩnh vực đầu tư có thể thu lợi nhuận ròng bởi lợi thế cạnh tranh kém, sản phẩm - dịch vụ còn hạn chế nhưng phát triển lĩnh vực này ở nước ngoài có thể giúp ích cho Việt Nam trong việc học hỏi thông lệ quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin và phục vụ tốt hơn cho người Việt làm ăn ở nước ngoài. Mặt khác, có thể tăng cường quan hệ với các đối tác tài chính lớn trên thế giới và "kéo" họ về Việt Nam" - ông Nguyễn Trí Hiếu lưu ý thêm.
Việc đầu tư ra nước ngoài cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và chính các nhà đầu tư Việt Nam đã từng phải đối mặt. Ghi nhận của Bộ KH-ĐT cho thấy đã xuất hiện một số rủi ro khi đầu tư vào một số địa bàn đang có xung đột hoặc nguy cơ xung đột quân sự, chế độ chính trị không ổn định như Venezuela, Iran, Ukraine... Bên cạnh đó, một số địa bàn có rủi ro về pháp lý như Cameroon, Tanzania hoặc một số "thiên đường" thuế như Cayman, Panama... Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định các điều kiện cụ thể để hạn chế hoặc từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào các địa bàn này. Chưa kể, cơ quan quản lý cũng cảnh báo một số vụ kiện, tranh chấp quốc tế ở các lĩnh vực dầu khí, viễn thông tại châu Phi dẫn đến xu hướng đầu tư vào địa bàn và lĩnh vực trên đang giảm dần.
Đa dạng địa bàn đầu tư
Năm 2019, số lượng dự án mới đầu tư ra nước ngoài tăng 11% nhưng vốn đăng ký mới giảm 2,1% do các DN nhà nước lĩnh vực dầu khí, khoáng sản, thủy điện, nông nghiệp không có hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Các dự án chủ yếu có quy mô vốn trung bình, nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dịch vụ, phù hợp với khả năng về vốn, năng lực quản lý và kinh nghiệm của DN Việt.
Địa bàn đầu tư đã có sự đa dạng hơn, hướng đến các đối tác phát triển. Các dự án tập trung tại một số nước như Úc, Mỹ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đầu tư tại Lào, Campuchia có tăng nhẹ nhưng vẫn trong xu hướng chững lại do chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh của nước sở tại không thuận lợi.
Người lao động