MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra tiếp tục “vật lộn” với COVID-19

23-11-2021 - 16:48 PM | Thị trường

Doanh nghiệp và nông dân nuôi cá tra tiếp tục “vật lộn” với COVID-19

Xuất khẩu cá tra nhiều thị trường hồi phục và tăng trưởng tốt nhưng do dịch COVID-19 ở Miền Tây vẫn diễn biến phức tạp, công suất hoạt động của các nhà máy vẫn chưa cao khiến doanh nghiệp và người nuôi đều gặp không ít khó khăn.

Hiện nay các địa phương như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang… đang có số ca nhiễm tăng cao làm dấy lên lo ngại cho nông dân nuôi cá lẫn doanh nghiệp.

Nông dân muốn tham gia chuỗi liên kết nhưng doanh nghiệp chưa muốn

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, tuy số ca nhiễm COVID-19 ở các tỉnh Miền Tây tăng nhưng mức độ ảnh hưởng lên ngành hàng cá tra có phần nhẹ nhành hơn so với trước khi có công văn 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Hiện đã có khoảng 50% đến 60% doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng công suất của các nhà máy vẫn chưa cao do rất thiếu công nhân. Tại tỉnh Đồng Tháp, những nhà máy phát hiện nhiều ca F0 cũng phải tạm ngừng hoạt động, nhưng một số các nhà máy lớn nhờ có tổ y tế kiểm soát chặt chẽ công nhân trước khi vào nhà máy và lấy mẫu test định kỳ nên tình hình cũng tương đối.

Hiện hai thị trường xuất khẩu cá tra lớn là Mỹ và Trung Quốc nhưng chỉ có thị trường Mỹ là tốt và có giá xuất tăng, còn thị trường Trung Quốc đang rất khó khăn. Đặc biệt từ khi Tổng cục hải quan Trung Quốc có Lệnh 248 và 249 đối với xuất khẩu thủy sản đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ngược lại những doanh nghiệp đã có code xuất khẩu đi thị trường Mỹ thì được thuận lợi cả thị trường Trung Quốc. Ví dụ như công ty Vĩnh Hoàn, Biển Đông, Nam Việt …

“Xuất khẩu cá tra tốt lên nhưng nông dân bán cá không được giá cao khiến họ gặp nhiều khó khăn, và có một nghịch lý là khi giá xuất khẩu tăng thì doanh nghiệp bắt cá vùng nuôi để chế biến, khi giá cá sụt thì mua của nông dân.

Thực tế này tồn tại lâu nay nhưng chưa có giải pháp khắc phục, vì doanh nghiệp luôn ưu tiên cho vùng nuôi của họ sau đó là hộ nuôi liên kết, nhưng vấn đề là nhiều nông dân muốn liên kết nhưng doanh nghiệp lại chưa muốn.

Vai trò của hiệp hội cũng chỉ khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ giúp các hộ nuôi còn mua hay không là quyền của doanh nghiệp. Vấn đề này hiệp hội đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Trước mắt, đề nghị UBND các tỉnh có diện tích nôi cá lớn khuyến khích những doanh nghiệp đầu đàn của tỉnh liên kết với nông dân trong tỉnh của mình. Muốn vậy phải có chính sách thống nhất từ TW xuống địa phương”, Chủ tịch Hiệp hội cá tra nhấn mạnh.

Nuôi cá thua lỗ nhiều nông dân bỏ nghề dù biết giá cá sẽ tăng trở lại

Ông Sáu Mẫm, lão nông có 20 ha mặt nước nuôi cá tra ở xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, hiện nay cá tra loại 1,4 kg/con có giá 22.000 đồng/kg, cá nặng từ 900gr đến 1 kg xuất khẩu có giá 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg.

Dù biết giá cá sẽ tăng lên nhưng hầu hết người nuôi ở An Giang bán xong đều không thả nuôi lại, vì không còn khả năng tái đầu tư. Và vì thời dịch bệnh kinh tế khó khăn, cộng môi trường nuôi xuống cấp nghiệm trọng, tỷ lệ thả nuôi hao hụt từ 60% đến 70%, thậm chí có người bị mất trắng, trong khi ngày xưa thả nuôi tỷ lệ hao hụt chỉ từ 10% - 15% và cao lắm là 30%.

“Bây giờ tỷ lệ nuôi hao hụt quá lớn cộng giá thức ăn tăng gần 1.000 đồng/kg so với thời điểm cách nay 6 tháng, nên bán cá xong tôi chỉ thả giống vài hầm. Và vì một thực tế nữa là khi giá cá lên thì doanh nghiệp bắt cá nhà để sản xuất, giá cá sụt họ mua trong dân mà lại mua thiếu từ 2 đến 3 tháng mới trả tiền, thậm chí có người không trả cho dân khiến nghề nuôi cá tra ngày càng bấp bênh”, lão nông Sáu Mẫm chia sẻ.

Xuất khẩu cá tra tốt ở thị trường Mỹ, sụt giảm ở thị trường Trung Quốc

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP ), tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 136,7 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm 2020. Cộng dồn 10 tháng, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,21 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm cá tra chế biến xuất khẩu giảm hơn 50%.

Tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt gần 42 triệu USD, tăng gần gấp 2 so với tháng trước và tăng 79,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng cao nhất trong top 10 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất.

Tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 289,6 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong quý cuối năm sang thị trường Mỹ được giữ vững thì nhiều khả năng Mỹ trở về vị trí là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của doanh nghiệp trong năm nay.

Cho tới thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra từ Việt Nam của khách hàng Mỹ vẫn khá tốt. Giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang Mỹ tăng liên tục kể từ quý 2 tới nay. Tới cuối tháng 10/2021, giá xuất khẩu cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng 0,55 - 0,58 USD/kg so với tháng 6/2021.

Trong khi đó, tính đến hết tháng 10/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chỉ đạt 310,2 triệu USD, giảm 27,6% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 10, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm rất mạnh tới gần 61%, đạt 31,35 triệu USD, thấp hơn giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ hơn 10 triệu USD.

Năm 2021, Trung Quốc nâng hàng rào thương mại đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu khiến nhiều khách hàng bị thiệt hại do hàng hóa bị ách tắc, kể cả sản phẩm cá tra Việt Nam. Vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến các nhà máy chế biến cá tra bị giảm công suất, vừa vấp phải sự khó khăn từ thị trường nhập khẩu nên giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong thời gian qua giảm mạnh.

Tại khối thị trường CPTPP, cho dù giá trị xuất khẩu cá tra sang khối này 10 tháng đầu năm nay giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 161,7 triệu USD, nhưng giá trị xuất khẩu sang một số thị trường trong khối tăng trưởng tốt và nhiều tiềm năng.

Ví dụ như xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng 49,5%, thị trường Canada tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng thị trường Singapore, từ quý 3 tới nay bắt đầu tăng trưởng trở lại sau hơn một năm bị chững lại hoặc gián đoạn do COVID-19.

“Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, 10 tháng đầu năm nay, cho dù các nhà máy chế biến cá tra bị tổn thương và hứng chịu hậu quả nặng nề do dịch bệnh COVID-19 gây ảnh hưởng đến toàn chuỗi từ nuôi, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như: Brazil, Thái Lan, Colombia, Nga, Ai Cập.

Hiện các doanh nghiệp chế biến thủy sản, trong đó có doanh nghiệp cá tra đang rối bời chống dịch nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu không khỏi ảnh hưởng. Tiêm đầy đủ vaccine là giải pháp tối ưu nhất để ổn định tâm lý cho người lao động tại các nhà máy”, bà Tạ Hà, chuyên viên VASEP nhấn mạnh.

Theo Nguyễn Huyền

BizLive

Trở lên trên