MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vẫn bị “hành”

Luật chồng lên luật, vướng mắc chồng vướng mắc của các văn bản pháp luật hiện hành đã khiến cho doanh nghiệp như lạc trong “ma trận”.

Hội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị” do VCCI tổ chức sáng ngày 22/7 đặc kín người. Phần đông trong số họ là đại diện của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Họ đến hội thảo mang theo những bức xúc về tình trạng chồng chéo, nhiều vướng mắc của các văn bản luật hiện hành, tạo ra nhiều rào cản, khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Sự khó khăn đó được cụ thể hoá qua những ví dụ thực tiễn, như là câu chuyện về áp mã ngành kinh tế của bà Đinh Thị Kim Anh, đại diện Ngân hàng SHB.

Theo bà, trong Luật kinh doanh không quy định cụ thể ngành kinh doanh, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành mà luật không cấm và được tự áp mã ngành kinh doanh. Thoạt đầu, dường như cách làm này đã cho phép doanh nghiệp được linh động, thuận lợi hơn trong việc đăng ký kinh doanh, nhưng trên thực tế, nó lại vô cùng phức tạp.

Việc cho phép doanh nghiệp được tự khắc con dấu cũng vậy, tưởng chừng như đổi mới, thông thoáng hơn so với trước nhưng thực chất, doanh nghiệp lại bị đẩy vào thế khó, vì đăng ký xong doanh nghiệp cũng phải chờ 3 ngày con dấu mới có hiệu lực hay đối với một số ngành nghề đặc thù như chứng khoán, luật sư, giám định phải đăng ký con dấu qua công an.

Như vậy, dường như luật mâu thuẫn với luật – bà Kim Anh lập luận bởi không biết cơ sở pháp lý quy định khác biệt như vậy có đúng hay không, bởi ngành bảo hiểm, luật sư đã phải chịu sự quản lý chuyên ngành thì có nhất thiết cần phải bị ràng buộc về con dấu như vậy không.

Hay như câu chuyện khác của bà Vũ Thị Minh Nguyệt, đại diện cho công ty TNHH B.Braun Việt Nam khi than thở về việc 1 năm công ty bà phải đối mặt với 72 cái báo cáo nhằm đáp ứng thông tư 04/2011/TT-Bộ KH&ĐT về Quy định báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, áp dụng từ tháng 3/2011. Cụ thể, cứ 1 tháng doanh nghiệp của bà lại phải làm 6 cái báo cáo cơ sở, định kỳ quý cũng phải làm báo cáo.

Đa phần báo cáo mang tính hình thức nhưng khi làm đều phải rất cụ thể, chi tiết theo biểu mẫu của cơ quan chủ quản – Bà Nguyệt bức xúc. Và công ty bà đã phải cử hẳn ra một nhân viên chỉ để “chuyên trách” làm báo cáo.

Hai câu chuyện trên chỉ là một phần rất nhỏ của những tiếng kêu của doanh nghiệp, bởi thậm chí có doanh nghiệp đã đau đớn nói rằng mình thực sự là “nạn nhân” của Thông tư 20 hay có doanh nghiệp bảo “sẵn sàng ngồi tù vì nghị định”…

Theo thống kê của VCCI cùng với góp ý của cộng đồng doanh nghiệp ngay tại hội thảo hiện có khoảng 50 luật với khoảng 150 điều luật cần sửa đổi và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như tránh chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp.

VCCI cũng đề xuất nên bỏ một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như các dịch vụ: đào tạo đại lý bảo hiểm; tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần; mua bán nợ; việc làm; bảo hành bảo dưỡng xe ô tô; sát hạch lái xe; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý vận hành nhà chung cư…

Hay ở một số luật hiện hành có rất nhiều điều kiện kinh doanh chất lượng kém như Luật Kế toán; Luật Điện ảnh, Luật Viễn thông, Luật Giá,… cũng cần được loại bỏ hoặc sửa đổi.

Ngoài ra, VCCI cũng đề xuất nghiên cứu việc thay Giấy chứng nhận đầu tư bằng hình thức Hợp đồng đầu tư ký giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước. Điều đó cho phép xử lý các vi phạm cam kết đầu tư theo trách nhiệm dân sự.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên