Doanh nghiệp vẫn “mắc cạn” với cơ chế một cửa, một cửa liên thông
“Trên lý thuyết, cơ chế một cửa phục vụ cho cả đối tượng doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đi rất nhiều cửa”.
- 08-02-2022Gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc xuất hóa đơn điện tử
- 08-02-2022Chính sách “giữ chân” của Doanh nghiệp: Lao động hứng khởi
- 04-02-2022Trên 32 nghìn doanh nghiệp 'chào đời' đầu năm Nhâm Dần
Thực hiện Nghị định 61 năm 2018 của Chính phủ, 59 địa phương thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công. 100% bộ, ngành, địa phương kiện toàn hệ thống một cửa một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính. Chất lượng giải quyết hồ sơ có sự cải thiện rõ rệt. Hầu hết các địa phương có tỷ lệ giải quyết đúng hạn trên 90%.
Khi đối tượng phục vụ là người dân, cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những hiệu quả và cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, khi đối tượng phục vụ là doanh nghiệp, quá trình triển khai cơ chế này chưa thực sự đạt được kết quả mong đợi.
Hiệu quả với người dân
Sau hơn 1 năm hoạt động Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Ninh Bình đã kết nối và thực hiện tiếp nhận trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính với gần 1400 thủ tục cho hơn 20 sở, ngành.
Ông Phạm Thiên Phúc (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao sự nhanh gọn, tiện ích trong cách đón tiếp, cách thức giải quyết của Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh nhà: “Tôi cảm thấy các thủ tục rất thuận lợi, tiện cho dân. Công việc của tôi được giải quyết nhanh lẹ. Nhân viên đều nhiệt tình, vui vẻ, rất thân thiện”.
Tại bộ phận một cửa phường Mỹ Đình 2 quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội, các quy định về thủ tục hồ sơ trình tự, thời gian, lệ phí đều niêm yết công khai.
Chị Bùi Danh Thủy (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết sự công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính khiến người dân như chị cảm thấy yên tâm: “Khi đến làm các thủ tục hành chính, chúng tôi có thể nhìn vào trong để xem nhân viên thực hiện như thế nào, đúng hay không? Nếu có vấn đề gì thì chúng tôi có thể thắc mắc luôn được”.
Cùng với một cửa liên thông vật lý thì Hà Nội cũng đang đẩy mạnh một cửa liên thông điện tử với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là hơn 1200 thủ tục; mức độ 4 là 468 thủ tục. Thành phố cũng đã triển khai tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên cổng dịch vụ công quốc gia đạt tỷ lệ hơn 31 %, vượt chỉ tiêu được giao.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (thuộc Bộ Tư pháp) cơ chế một cửa điện tử mang lại nhiều lợi ích: Giảm tải lượng giấy tờ phải sử dụng khi làm hồ sơ; tiết kiệm chi phí lưu trữ.
Bà cho biết thêm: “Khi tổ chức tập huấn, chúng tôi luôn nhấn mạnh với các địa phương về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc này đem lại hai cái lợi: Thứ nhất, đảm bảo tính công khai minh bạch. Thứ hai, giảm tải thời gian đi lại cũng như chi phí cho người dân, doanh nghiệp”.
Doanh nghiệp vẫn còn “mắc cạn”
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu kinh tế tư nhân đánh giá mô hình một cửa, một cửa liên thông đã phát huy được hiệu quả khá tốt cho người dân. Tuy nhiên là với doanh nghiệp thì cơ chế này chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Bà Thủy giải thích: “Trên lý thuyết, cơ chế một cửa phục vụ cho cả đối tượng doanh nghiệp. Nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn phải đi rất nhiều cửa. Có thể nói, doanh nghiệp có những thủ tục phức tạp hơn, động chạm đến nhiều quyền lợi hơn. Cho nên, nếu không có quyết tâm rất cao thì rất khó để triển khai đúng nghĩa mô hình một cửa, một cửa liên thông. Tôi mong Chính phủ sẽ tiếp tục làm mạnh và làm thực chất chủ trương này”.
Cùng với những bất cập như bà Phạm Thị Ngọc Thủy vừa nêu thì việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông vẫn có một số hạn chế như: Thuần túy xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan; chưa có quy định về lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, thủ tục hành chính dẫn đến việc lúng túng, thiếu thống nhất chậm trễ trong thực hiện số hóa; việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được triển khai, song chưa cung cấp thông tin kịp thời cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế bất cập các hành vi nhũng nhiễu tiêu cực.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Hệ thống một cửa hiện nay chưa có tính kết nối, thông suốt cũng như chưa đồng bộ với một số hệ thống riêng của các bộ, ngành. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tương tác trên rất nhiều hệ thống và chuyển đổi dữ liệu qua lại”.
Ông Phạm Ngọc Hưng (doanh nghiệp TP.HCM) nói thêm: “Theo lý thuyết, khi làm các thủ tục thì người dân, doanh nghiệp chỉ cần gửi một cái đơn trên mạng thôi rồi yêu cầu đó sẽ được liên thông tới các đơn vị khác để giải quyết. Còn ở đây chúng ta làm mà xin giấy phép con đến rất nhiều đơn vị”.
Gỡ rối cơ chế
Trước thực tế này, ngày 27/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468 phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc đổi mới theo quyết định số 468.
Cuối năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 107 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61 năm 2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo đó bổ sung việc thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính, số hóa hồ sơ, giấy tờ với mục tiêu là giảm thời gian đi lại, giảm chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Để hoàn thành những nội dung đã đề ra trong Nghị định số 107, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Ngô Thành Can - Giảng viên cao cấp Học viện Hành chính Quốc gia.
PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính?
Ông Ngô Thành Can: Hiện nay chúng ta có 59/63 địa phương đã thành lập trung tâm phục vụ hành chính công. Nhiều địa phương đã kết hợp một cửa vật lý và một cửa điện tử để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức giải quyết công việc và làm giảm thời gian thực hiện giao dịch hành chính.
Đặc biệt, ngoài giảm thời gian thì tiết kiệm là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Tiết kiệm do chúng ta giảm được số lượng bộ phận một cửa, do giảm chi phí tái sử dụng giấy tờ, tài liệu, do giảm thời gian để chờ đợi để thực thi. Ngoài ra, có thể tiết kiệm thêm nhiều chi phí khác do sử dụng các phương thức điện tử trong xử lý các thủ tục hành chính.
PV: Theo ông, những sửa đổi, bổ sung như số hóa hồ sơ, giấy tờ, thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính,... sẽ có tác động như thế nào đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính?
Những nội dung liên quan đến việc như số hóa, lưu trữ tài liệu, hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ thực hiện của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4,…là vấn đề đang được quan tâm.
Bởi với sự tham gia của khoa học công nghệ, cải tiến thông tin, đặc biệt là phát triển Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến, chất lượng dịch vụ, phục vụ đã tốt và nhanh chóng hơn rất nhiều.
Đây là bước quan trọng trong cải cách những thông tin, thủ tục để làm giảm thời gian mà người dân phải làm việc với các cơ quan liên quan của chính quyền, mang lại niềm tin của nhân dân.
PV: Để thực hiện thành công đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo Nghị định số 107 vấn đề đầu tiên chúng ta cần phải giải quyết là gì ạ?
Ông Ngô Thành Can: Trên cơ sở đã đạt được tôi thấy có mấy vấn đề cần lưu ý:
Thứ nhất, tập trung số hóa, lưu trữ hồ sơ và những tài liệu liên quan đến thủ tục hành chinh, tạo ra được những bước quan trọng trong phục vụ.
Hai là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng để có được đội ngũ cán bộ, công chức chất lượng nói chung và đặc biệt là đội ngũ là bộ phận một cửa - bộ phận cải cách nói riêng.
Họ phải là những người có năng lực, liêm chính, chính trực, vừa có tài vừa có đức. Nếu làm được như vậy, sự phục vụ của bộ phận một cửa, một cửa liên thông sẽ đạt kết quả tốt.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
VOV