MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vận tải 'đóng băng': Chờ hỗ trợ

Doanh nghiệp vận tải ô tô gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Ảnh: Như Ý

Doanh nghiệp vận tải ô tô gặp nhiều khó khăn sau dịch COVID-19. Ảnh: Như Ý

Tại Hội nghị đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động doanh nghiệp vận tải ngày 14/4, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó vận tải đường bộ chịu tác động nặng nề, trong thời gian dài phải “đóng băng”. Vừa qua, Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, nhưng vì nhiều lý do, số đơn vị được hưởng chính sách không nhiều.

Theo ông Quyền, nhiều chính sách được Chính phủ đưa ra nhưng thực tế đến nay chưa được áp dụng với doanh nghiệp như: giảm lãi suất vay ngân hàng, vay để trả lương cho người lao động phải nghỉ việc do dịch COVID- 19, lùi thời hạn nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Ngoài ra, có không ít doanh nghiệp vận tải chưa biết thông tin hoặc chưa biết đầu mối để tiếp cận chính sách khoanh, giãn nợ…

Theo khảo sát của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (87 doanh nghiệp vận tải và 17 bến xe) cho thấy, trong năm 2021, doanh thu của doanh nghiệp lĩnh vực vận tải liên tục sụt giảm, với mức bình quân 10-20%, trong đó có doanh nghiệp doanh thu giảm sâu đến 75%. Tuy nhiên, đa số các đơn vị vẫn xác định khắc phục khó khăn, nỗ lực đổi mới và mong muốn có sự vào cuộc hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước.

Về khó khăn của doanh nghiệp vận tải sau COVID-19, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định cho biết, hiện tại, các doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn khi không tìm được khách hàng, đồng thời phải đối mặt với xăng tăng giá. “Chúng tôi thấy bất công khi vừa qua, hàng không được phép tăng cước vận chuyển, giá vé nhưng vận tải đường bộ chưa có văn bản hướng dẫn tăng cước. Ngoài ra, từ ngày 14/4/2022, tất cả doanh nghiệp vận tải phải sử dụng hoá đơn điện tử. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải đường bộ bởi khách đi xe phải có vé trao tay đúng theo Luật Giao thông đường bộ. Chúng tôi kiến nghị Tổng cục Đường bộ xem xét phát vé cho khách thế nào?”, ông Thạc nói.

Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải thế nào?

Đại diện các hiệp hội vận tải, sở GTVT các tỉnh, thành cũng cho rằng, dịch COVID-19 đã làm “đóng băng” hoạt động vận tải thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần, thiếu hụt lao động trầm trọng. Hiện tại, vận tải đường bộ đang dần phục hồi, tuy nhiên doanh nghiệp lại gặp khó khăn khi giá xăng liên tục tăng. Một số hiệp hội cho rằng, cần sớm điều chỉnh giá cước vận tải để doanh nghiệp đủ sống.

Ông Ðỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết, khảo sát 87 doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa và bến xe cho thấy, sau hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch COVID-19, vận tải bị đứt gãy, khi doanh thu giảm khoảng 80%.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, doanh nghiệp kiến nghị Bộ GTVT thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành vận tải đường bộ. Bởi đây là ngành tiềm năng để đạt được mục tiêu kép là nâng cao hiệu quả kinh doanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu tai nạn giao thông… “Đặc biệt, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Nhà nước nghiên cứu có hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua việc chỉ đạo các đơn vị có năng lực về công nghệ thông tin nghiên cứu hình thành những phần mềm hoặc nền tảng dùng chung, để chuyển giao cho các doanh nghiệp…”, ông Quyền nói.

 Doanh nghiệp vận tải đóng băng: Chờ hỗ trợ  - Ảnh 1.

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm có chủ trương và chỉ đạo các đơn vị vận tải, bến xe chủ động nghiên cứu hợp tác để tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng logistics và thương mại điện tử. Vì bến xe có lợi thế về vị trí thuận lợi trong kết nối người gửi và chủ phương tiện.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh cho rằng, ngoài những khó khăn do dịch bệnh và giá xăng tăng, doanh nghiệp vận tải còn gặp nhiều vấn đề. Cụ thể, hiện nay, ô tô kinh doanh vận tải đã lắp camera theo quy định, tuy nhiên thời điểm hiện tại, Nhà nước vẫn chưa tận dụng tối đa công cụ giám sát này. Trong khi đó, việc vận hành hệ thống camera rất tốn kém nên doanh nghiệp mong muốn được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Ông Phạm Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn và chuyển giao công nghệ Sơn Phát nhìn nhận, COVID-19 đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Do không có công nghệ kết nối, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đơn cử như việc quản lý vé, nguồn thu trọng tâm của doanh nghiệp, nhưng việc quản lý, tổ chức bán vé hiện nay vẫn thụ động, ngẫu nhiên, chủ yếu bằng công cụ giấy truyền thống như lệnh vận chuyển giấy, vé giấy, gây tốn kém về thời gian, chi phí, nhân lực, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phương thức này cũng là rào cản quá trình chuyển đổi sang vé điện tử, dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận được khách hàng.

Áp dụng vé điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng quảng cáo, thông tin dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận đối với khách hàng, tăng trưởng doanh thu. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp cải tiến phương pháp quản lý, điều hành theo hướng tự động hóa, cắt giảm các thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực.

“Nếu muốn tồn tại, doanh nghiệp phải trang bị cho mình nền tảng công nghệ để tham gia vào chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí quản trị, quản lý được doanh thu từ vé của hành khách, doanh thu từ vận chuyển hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nguồn lực khách hàng”, ông Thiện nói.

https://cafef.vn/doanh-nghiep-van-tai-dong-bang-cho-ho-tro-20220415071430089.chn

Theo Ngọc Mai

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên