Doanh nghiệp vận tải TP HCM lao đao vì giá nhiên liệu và phí, thuế
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, khiến doanh nghiệp vận tải hàng hóa tại TPHCM gặp khó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể.
- 30-08-2018Doanh nghiệp vận tải tiếp tục than thở về phí
- 13-09-2017Ông Nguyễn Đức Kiên cãi dư luận: "BOT tốt, doanh nghiệp vận tải chơi xấu"
- 02-03-2017Doanh nghiệp vận tải: "Còn thương thì cho xe trở lại bến Mỹ Đình, bằng không mong lãnh đạo bán xe giùm cho tôi"
Theo ông Lâm Đại Vinh, chủ một doanh nghiệp vận tải lớn, doanh nghiệp của ông đang phải “co mình lại”, hoạt động cầm chừng và chỉ mong không lỗ để duy trì hoạt động. Ngoài vận chuyển thì doanh nghiệp đang mở rộng ra các lĩnh vực khác, như: Cung cấp dịch vụ, cho thuê xe…
Theo lý giải của doanh nghiệp này, khoảng 3 năm gần đây giá dầu tăng cao, từ mức 12.000 đồng/lít nay tăng lên 18.000 đồng/lít (chênh nhau 6.000 đồng), dẫn đến chi phí cho một chuyến xe tăng lên.
Trong khi đó, giá dịch vụ lại không đổi, thậm chí còn giảm so với thời điểm 3 năm trước, dẫn đến doanh nghiệp phần lớn làm ăn không có lãi, thậm chí là lỗ. Thêm nữa nhiều khoản phí liên tục tăng cao như: phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ, xin giấy phép, đầu tư thiết bị giám sát hành trình, ra đường thì kẹt xe, ùn tắc dẫn tới thời gian hoạt động ngoài đường giảm từ 10 giờ/ngày xuống còn 4-5 giờ/ngày.
Xe phải dừng đỗ trên đường vì kẹt xe dẫn đến chi phí kéo dài, chi phí cho nhiên liệu trên một chuyến đi thường chiếm 30-40% tổng chi phí nhưng hiện nay con số này có thể vượt qua mốc 40%. Xe nằm bãi cũng phải tốn nhiều chi phí bảo trì… Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng thường xuyên thay đổi quy định về thông số kỹ thuật của container, thùng hàng… dẫn đến nhiều doanh nghiệp lao đao vì phải chạy theo để thay đổi.
“Hiện nay, doanh nghiệp đang thu hẹp quy mô sản xuất, không mở rộng. Mục tiêu của doanh nghiệp là hòa vốn, duy trì được bộ máy và tìm ngành nghề khác để hoạt động. Các doanh nghiệp vận tải đang có xu hướng như vậy, người thì mua bất động sản, cho thuê, chứng khoán, mở quán ăn… Nói chung dịch vụ vận tải đang gặp nhiều khó khăn”, ông Vinh nói.
Doanh nghiệp vận tải mong nhà nước có biện pháp để ổn định hoạt động.
“Hiện giờ giá xăng dầu tăng như vậy nhưng giá cước vận chuyển lại không tăng, BOT giữ nguyên hoặc tăng lên là bất hợp lí. Một chuyến hàng từ Cát Lái đi Cái Mép – Thị Vải chỉ khoảng 3 triệu mà phí cầu đường đã 600-700.000 đồng, thêm nữa, giá cước xăng dầu tăng cao như vậy thì doanh nghiệp vận tải bị lỗ. Loại hình container như vậy rất khó khăn nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ”, ông Đỗ Xuân Phú cho biết..Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Minh Liên cũng ngao ngán khi nói đến hoạt động kinh doanh vận tải hiện nay. Ngoài vấn đề chung về chi phí giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá dịch vụ lại đi xuống, các doanh nghiệp vận tải container tại TP. HCM còn gặp nhiều khó khăn về bến bãi đậu xe, các loại cước phí cầu đường quá cao áp lên đầu doanh nghiệp vận tải khiến họ “không thở nổi”. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã nhiều lần kiến nghị về việc giảm phí, thuế, và ổn định giá nhiên liệu nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM, hiện nay các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đang gặp rất nhiều khó khăn. Con số từ chỗ vài trăm doanh nghiệp tham gia hiệp hội trước kia đã giảm còn khoảng 100 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động xuống còn một nửa, hoặc chuyển đổi sang loại hình khác. Trong đó, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang “đi vào ngõ cụt” bởi nợ ngân hàng, hoạt động thì không lời nhưng vẫn phải duy trì vì đã trót lỡ vay tiền ngân hàng đầu tư, giờ bán phương tiện cũng không ai mua hoặc có mua thì giá phương tiện cũng chỉ còn 1/3 so với trước, cá biệt có phương tiện chỉ định giá với mức bán phế liệu.
So với lần điều chỉnh giá nhiên liệu từ đầu năm, hiện nay, giá nhiên liệu đang có độ chênh tới gần 3.000 đồng, gây khó cho doanh nghiệp. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Chánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM đề nghị Nhà nước cần phải có biện pháp để giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc thương thảo, đảm bảo hoạt động: “Giá nhiên liệu tăng nhưng cước vận tải không tăng nên doanh nghiệp cũng bức xúc. Mong rằng thời gian tới, Nhà nước sẽ ổn định giá nhiên liệu, nếu có biến động thì dùng quỹ bình ổn và các hình thức khác để ổn định nhiên liệu”.
Thực tế của các doanh nghiệp vận tải hiện nay cho thấy, đây là hậu quả của việc phát triển rầm rộ của ngành vận tải những năm trước đó khi cung vượt quá cầu. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan quản lý để doanh nghiệp vận tải có thể vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động, đóng góp nhiều cho nền kinh tế./.
VOV