MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vẫn than bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều

Doanh nghiệp vẫn phản ánh thanh tra, kiểm tra là nỗi lo lớn của họ nhưng không đơn vị nào dám nói về việc "bị thanh kiểm tra quá nhiều".

Thông tin được bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban, Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại hội thảo Năng lực cạnh tranh Việt Nam: Kết quả và thách thức đối với doanh nghiệp (DN) được tổ chức ở TP HCM sáng nay, 24-10.

Theo công bố mới của Diễn đàn kinh tế thế giới, Việt Nam đã tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, từ hạng 77 lên hạng 67. Kết quả cải thiện điểm số và thứ hạng năng lực cạnh tranh này thể hiện nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ.

Cụ thể, về cải cách môi trường kinh doanh như cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; thay đổi phương thức quản lý chuyên ngành trong một số lĩnh vực...

Dù vậy, theo khảo sát của CIEM, cộng đồng DN phản ánh môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản, trong đó điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại chính. Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách, thậm chí có những văn bản mới đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Doanh nghiệp vẫn than bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều - Ảnh 1.

Doanh nghiệp phản ánh tại hội thảo

Bà Nguyễn Minh Thảo dẫn một số ví dụ, như máy điều hòa có nhiệt độ công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ nhưng nếu công suất lớn hơn 90.000 BTU sẽ thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

"Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo lớn đối với DN. Dù theo chỉ thị của Thủ tướng mỗi năm cơ quan chỉ thanh kiểm tra 1 lần nhưng thực tế cơ quan quản lý trong các lĩnh vực thường không kết hợp với nhau để thanh kiểm tra. Và khi cơ quan quản lý tới thanh kiểm tra nội dung thường tương tự nhau nhưng không DN nào dám phản ánh bị "thăm" nhiều" - bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Bên cạnh đó, chi phí không chính thức cũng còn phổ biến ở hầu hết lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau và có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về DN.

"Kiện là sẽ thắng nhưng với tâm lý không dám kiện vì các DN sợ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh" – đại diện CIEM dẫn ý kiến của DN.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng phòng pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP HCM, dẫn số liệu do DN cung cấp trong khảo sát của VCCI mới đây cho thấy có khoảng 54,8% DN phải trả các chi phí không chính thức. Nếu so sánh với số liệu của các năm trước thì có giảm nhưng chỉ ở mức độ tương đối vì con số DN phải trả chi phí không chính thức vẫn là rất lớn; và có tới 58,2% DN trả lời vẫn còn tồn tại tình trạng tham nhũng khi các cơ quan quản lý hành chính thực hiện quy định.

Như trong lĩnh vực nhập khẩu trang thiết bị y tế, theo Thông tư 35/2015/TT-BYT, nhiều sản phẩm không thuộc diện phải xin xác nhận của Bộ Y tế nhưng một số cơ quan hải quan vẫn yêu cầu DN thực hiện. Điều này gây khó khăn, bức xúc lớn cho DN; gây ách tắc và làm chậm thời gian giải phóng hàng; đồng thời làm phát sinh thủ tục hành chính, tạo áp lực công việc đối với cả Bộ Y tế. Quy định này thực hiện khác nhau ở các cửa khẩu.

Hoặc theo phản ánh của nhiều DN tới CIEM, tất cả DN xuất khẩu gạo đều phải chi trả chi phí không chính thức với mức cao cho các tổ chức kiểm định. Các tổ chức này thường yêu cầu DN phải chi ngoài với mức 25-30 triệu đồng/1.000 tấn gạo...

Nhập động cơ máy 20 USD cũng phải kiểm định!

Theo các chuyên gia từ CIEM, một trong những vướng mắc, bất cập kéo dài ảnh hưởng môi trường kinh doanh của DN là tình trạng kiểm tra chất lượng gây tốn kém nhưng hầu như không có sản phẩm không đạt. Như việc có một DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở Cần Thơ nhập khẩu 1 động cơ máy bơm từ Trung Quốc về trị giá 20 USD do yêu cầu phải nhập khẩu từ nước ngoài (thay vì mua thị trường Việt Nam). Nhưng theo quy định, DN bắt buộc phải đem động cơ này đi kiểm định tốn thời gian, phát sinh chi phí.

"Rất nhiều linh kiện, dây chuyền nhỏ lẻ, phục vụ cho hoạt động nội bộ của DN nhưng cũng phải đem đi thử nghiệm, xét nghiệm về tiêu chuẩn, chất lượng. DN phản ánh rất nhiều nhưng các bộ chuyên ngành chưa có đối tượng miễn trừ đối với các trường hợp như trên, gây phiền hà cho DN" – bà Nguyễn Minh Thảo nhận xét.

Theo Thái Phương

Người lao động

Trở lên trên