MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp vét sạch kho gạo để xuất khẩu

30-05-2023 - 15:37 PM | Thị trường

Dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành không có lãi, thậm chí lỗ.

Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 5-2023 ước đạt 1 triệu tấn với giá trị 489 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 3,9 triệu tấn gạo, giá trị 2,02 tỉ USD - tăng 40,8% về khối lượng và tăng 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Về chi tiết các thị trường, trong 4 tháng đầu năm 2023, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,4%, đạt 1,29 triệu tấn và 647,5 triệu USD - tăng 40,6% về khối lượng và tăng 53,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp vét sạch kho gạo để xuất khẩu - Ảnh 2.

Doanh nghiệp vét kho gạo xuất khẩu, 5 tháng đạt hơn 2 tỉ USD

Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, nơi có giá trị tăng mạnh nhất là Indonesia (gấp 26,3 lần). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (giảm 49,8%).

Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo, bình quân 500.000 – 600.000 tấn/tháng nên lượng gạo xuất khẩu năm nay gây bất ngờ cho không ít người.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại ĐBSCL cho hay vụ Đông Xuân là vụ thu hoạch chính của Việt Nam với khoảng 4 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.

"Mọi năm, gạo sẽ để lưu kho và xuất khẩu dần nhưng năm nay, các đối tác đều yêu cầu giao hàng ngay trong tháng 4 và 5 nên sản lượng xuất khẩu tập trung trong thời gian này. Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu, giờ chờ thu mua gạo vụ mới thì mới có hàng giao tiếp" - chủ doanh nghiệp này thông tin.

Theo thương nhân xuất khẩu gạo này, dù xuất khẩu gạo lập kỷ lục, giá tăng cao nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành không có lãi, thậm chí lỗ. Đó là những doanh nghiệp ký hợp đồng từ trước với dự báo giá gạo không cao như hiện nay. Đến thời điểm giao hàng, họ buộc phải mua gạo vào với giá cao, có những đơn hàng lỗ đến 40 USD/tấn.

Trước tình hình trên, các chuyên gia đều khuyến cáo các doanh nghiệp không nên ký hợp đồng chốt giá sớm, nên có sẵn hàng mới chào bán để tránh rủi ro khi giá gạo tăng "nóng" như hiện nay.

Theo V.Ngọc

Người lao động

Trở lên trên