MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Việt cần lưu ý điều gì trước ngày EVFTA chính thức có hiệu lực?

Từ ngày 1/8, Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực. Hiệp định này được dự đoán sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp, và người tiêu dùng ở cả EU và Việt Nam.

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, ​​mức tăng trưởng GDP dự kiến của Việt Nam sẽ là 2,18 - 3,25% (năm 2020 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033). Đồng thời, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ tăng 20% ​​vào năm 2020, và con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025. Ngoài ra, mức lương trung bình của người lao động có tay nghề có thể tăng lên 12%, mức lương của lao động phổ thông tăng 13%. Hiệp định có thể có thể giúp khoảng 800.000 người thoát nghèo vào năm 2030.

EVFTA là hiệp định thương mại & đầu tư toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia đang phát triển ở châu Á. Đây là hiệp định thương mại tự do thứ hai trong khu vực ASEAN với EU, sau Singapore. Cùng với xu hướng các nhà đầu tư liên tục rút vốn và dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong những tháng gần đây, EVFTA đang góp phần biến Việt Nam thành trung tâm sản xuất của châu Á.

Theo EVFTA, Việt Nam không chỉ mở thêm các phân ngành bổ sung cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU, mà còn đưa ra các cam kết sâu sắc hơn so với các quy định trong WTO, giúp EU tiếp cận tốt nhất với thị trường Việt Nam. Các phân ngành mà Việt Nam cam kết theo EVFTA bao gồm: Dịch vụ nghiên cứu & phát triển liên ngành (R&D); dịch vụ điều dưỡng, vật lý trị liệu và nhân viên y tế; dịch vụ đóng gói; hội chợ thương mại và dịch vụ triển lãm và dịch vụ vệ sinh tòa nhà.

Một số quy định đáng chú ý của EVFTA:

Thuế

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 48,5% dòng thuế, tương đương với 64,5% hàng xuất khẩu của EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm, 91,8% dòng thuế (tương đương 97,1% hàng xuất khẩu của EU) sẽ được xóa bỏ. Sau 10 năm, tỷ lệ xóa bỏ sẽ là 98,3% tổng số dòng thuế, tương đương 99,8% hàng xuất khẩu của EU.

Tương tự, gần 100% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác đã dành cho Việt Nam trong một hiệp định thương mại. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Mua sắm công

Theo EVFTA, Việt Nam cam kết cho phép các nhà thầu EU được tham gia các gói thầu đáp ứng đồng thời ba điều kiện: Giá trị gói thầu; Cơ quan đấu thầu; Hàng hóa và dịch vụ cần mua sắm.

Về mua sắm công, EVFTA chủ yếu giải quyết nghĩa vụ đối xử công bằng giữa các nhà thầu EU, hoặc các nhà thầu trong nước có vốn từ EU, và các nhà thầu trong nước khi Chính phủ Việt Nam mua sắm hàng hóa/dịch vụ.

Các quy tắc này đòi hỏi các bên đảm bảo thủ tục đấu thầu của mình phù hợp với các cam kết trong EVFTA và bảo vệ lợi ích của chính mình, do đó giúp Việt Nam giải quyết vấn đề đấu thầu đến từ các nhà cung cấp dịch vụ giá rẻ nhưng chất lượng thấp.

Dịch vụ phân phối

Việt Nam đồng ý bãi bỏ điều kiện kiểm tra nhu cầu kinh tế 5 năm sau khi EVFTA có hiệu lực, nhưng có quyền thực hiện quy hoạch hệ thống phân phối trên cơ sở không phân biệt đối xử. Việt Nam cũng đồng ý không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép các doanh nghiệp EU bảo lưu điều kiện hoạt động theo giấy phép hiện tại và chỉ cần một giấy phép để thực hiện các hoạt động nhập khẩu, phân phối, bán buôn và bán lẻ.

Dịch vụ ngân hàng

Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 02 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam. Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực trong vòng 05 năm (hết thời hạn 05 năm Việt Nam sẽ không bị ràng buộc bởi cam kết này), không áp dụng với 04 ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.

Nhìn chung, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ EVFTA so với các hiệp định khác, vì Việt Nam và EU được coi là hai thị trường hỗ trợ và bổ sung. Nói cách khác, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa mà EU không thể hoặc không tự sản xuất (ví dụ như các sản phẩm thủy sản, trái cây nhiệt đới, v.v.) trong khi các sản phẩm nhập khẩu từ EU cũng là những sản phẩm mà Việt Nam không sản xuất trong nước, bao gồm máy móc, máy bay và dược phẩm chất lượng cao.

Việt Nam đang nỗ lực và tiến bộ rõ rệt để đáp ứng các tiêu chuẩn cao được quy định trong EVFTA. Từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra sự tăng trưởng bền vững, cùng có lợi trong các lĩnh vực khác nhau và là một công cụ hiệu quả để cân bằng quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam.

Thư Thư

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên